Thực hành việc buông bỏ các “kết cấu tinh thần”

Quan niệm của chúng ta về bản thân, người khác hoặc hoàn cảnh có thể sẽ ngăn trở bản thân thưởng thức những thử thách không tránh khỏi và giải quyết khó khăn một cách thông thái.

Mọi thứ chúng ta tin tưởng về bản thân và người khác chính là quan niệm, hình ảnh được cấu thành trong đầu. Và những kết cấu tinh thần này có thể là một trong những trở ngại và khó khăn lớn nhất của chúng ta.

Buông bỏ các kết cấu tinh thần—những quan niệm của chúng ta về bản thân và người khác—có thể mang lại sự tự do tốt nhất.

Tôi không nói việc tồn tại các kết cấu tinh thần là sai. Chúng ta không thể ngăn chặn chúng—con người là vậy và để làm bất cứ điều gì cũng thường cần đến. Nhưng kết cấu tinh thần cũng có thể là chướng ngại gây đau đớn.

Vì vậy, hãy xem việc buông bỏ những kết cấu tinh thần sẽ có tác dụng như thế nào và cách thực hiện ra sao nhé.

Một số ví dụ cụ thể

Chúng ta cần các khái niệm và kết cấu tinh thần để kết nối với thế giới, nhưng việc đó cũng có thể rất rắc rối. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể buông bỏ thứ này.

  • Bạn đang căng thẳng về cuộc họp sắp tới hoặc một sự kiện xã hội. Bạn có đủ loại lo lắng, ví dụ: “Nếu tôi trông ngu ngốc và mọi người đánh giá tôi thì sao?” Những lo lắng có vẻ hợp lý này có thể làm bạn rất khổ tâm. Nếu bạn nhận ra rằng quan niệm bản thân trông ngu ngốc và bị đánh giá chỉ là thứ xuất hiện trong đầu não, thì bạn có thể bài xuất nó đi. Bạn có thể quay trở lại với khoảnh khắc hiện tại và thư giãn. Hoặc bạn có thể chọn sống với cảm giác sợ hãi trong tâm trí mà không buông—điều sẽ không hướng bạn đến những hành động hay suy nghĩ cụ thể nào cả.
  • Bạn thất vọng vì ai đó đã phàn nàn về mình. Bạn bị cuốn vào những suy nghĩ về lý do tại sao họ sai, sao họ luôn phàn nàn, hoặc có thể là tại sao bạn làm gì cũng không đúng. Có thể bạn bắt đầu nghĩ đến việc từ bỏ công việc này và vừa làm vừa buồn bực. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, bạn sẽ thấy rằng những suy nghĩ đó được hình thành trong tâm trí bạn – chúng không phải là thực tế khách quan. Trên thực tế, bạn chỉ đang cảm nhận một cảm xúc, một tập hợp các cảm giác trong cơ thể mà thôi. Điều bạn cần làm là hãy sống với thực tại và nhận thức được cảm xúc của mình cũng như mọi cảm giác phát sinh trong cơ thể—và nhờ đó bạn được giải thoát khỏi tất cả những sự việc phát sinh gây oán giận.
  • Bạn cảm thấy khó khăn khi thực hiện công việc và muốn trì hoãn. Có một quan niệm trong đầu bạn về mức độ khó khăn, mức độ choáng ngợp hoặc mức độ quá sức của việc này ở thời điểm hiện tại. Từ những cảm xúc và suy nghĩ này, bạn quyết định hoãn thực hiện công việc đó. Nhưng bạn chỉ trì hoãn được cảm giác khó khăn và choáng ngợp thôi. Công việc không biến mất, và trên thực tế, mọi thứ càng trở nên tồi tệ khi thời hạn công việc đến gần hơn hoặc hậu quả nghiêm trọng của việc trì hoãn ngày càng lớn. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bỏ đi quan niệm rằng việc đó “quá khó” và bạn chỉ đơn giản là đối diện với cảm giác phản kháng và sợ hãi đang diễn ra ở thời điểm hiện tại? Khi đối diện với những cảm giác này, bạn sẽ phát triển khả năng đồng hành với trải nghiệm của mình và hiểu rằng việc đó không quá khó—rốt cuộc đó chỉ là quan niệm mà thôi. Sau đó bạn có thể hướng tới công việc và bước đi từng bước nhỏ một.

Trên đây là một vài ví dụ, bạn có thể thấy rằng việc buông bỏ “quan niệm” sẽ giúp bản thân có được sự tự do.

Chúng ta bắt đầu nhận ra rằng mình có thể tiếp cận góc nhìn rộng hơn trong từng khoảnh khắc bằng cách buông bỏ. Tầm nhìn của chúng ta sẽ trở nên rộng mở hơn thay vì hạn hẹp và gò bó. Chúng ta có thể tiếp cận một quan điểm cởi mở và mới mẻ giữa bất kỳ khó khăn nào. Chúng ta bắt đầu sống thư thái hơn và có thể đến gần với sự tự do, bình yên và tận hưởng từng khoảnh khắc.

Cách thực hiện 

Vậy chúng ta thực hiện việc buông bỏ các kết cấu tinh thần như thế nào?

Đầu tiên, hãy bắt đầu bằng cách để ý những quan niệm mà bạn có về thế giới, bản thân và nhiều người khác trong những thời điểm khác nhau. Quan niệm của bạn về tình huống đang làm phiền bạn là gì? Bạn có quan niệm gì về bản thân trong tình huống đó? Tất cả niềm tin của bạn về một người hoặc vài tình huống hoá ra chỉ là một tập hợp các quan niệm hay kết cấu tinh thần?

Việc có quan niệm không phải là điều xấu, nhưng việc nhận ra rằng chúng chỉ là những quan niệm do bản thân tạo ra là một bước tiến mạnh mẽ để vượt ra khỏi sự kìm hãm mà quan niệm tạo ra cho chúng ta.

Thứ hai, hãy suy ngẫm xem khoảnh khắc này sẽ ra sao nếu bạn nhảy thoát khỏi những quan niệm đó. Hãy tưởng tượng rằng câu chuyện và quan niệm về điều bạn đang nghĩ đến đã bị xoá sạch trên tấm bảng đen trong tâm trí.

Hãy tưởng tượng về khoảnh khắc không có những quan niệm này. Hãy cảm nhận góc nhìn rộng lớn hơn vào thời điểm bạn buông bỏ các quan niệm. Bạn sẽ cảm thấy bản thân trở nên cởi mở, tự do và nhẹ nhàng ra sao.

Thứ ba, một khi bạn đã đi đến bước này, bạn có thể hiện diện cùng với những cảm giác trong cơ thể. Hãy liệt kê bất kỳ cảm xúc nào—chẳng hạn như gò bó, nặng nề, căng thẳng, sợ hãi và lo lắng—đang ở trong dạ dày, trên vai, trong tim, trong đầu hoặc ở chỗ nào đó trong thân thể của bạn. Hãy bỏ qua bất kỳ quan niệm nào về những cảm giác này—chỉ nhận biết trải nghiệm đó thôi. Bạn có thể thư giãn cùng với những cảm giác của mình trong khoảnh khắc hiện tại, hoặc thậm chí cảm thấy tự do giữa những trải nghiệm đó không?

Cuối cùng, hãy tự hỏi bản thân xem bạn có thể thực hiện một hành động nhỏ nào không. Ví như rửa chén. Viết một câu trong email mà bạn đang né tránh. Nói chuyện cởi mở với người ngồi trước mặt bạn. Bạn không cần phải làm bất cứ điều gì – mà hãy cứ trải nghiệm sự tự do của giây phút hiện tại là đủ. Nhưng khi không có quan niệm, sẽ có điều gì đó mà bạn cảm thấy cần làm—một bước duy nhất, hữu ích mà bạn có thể thực hiện.

Bạn đã sẵn sàng thực hiện việc buông bỏ những quan niệm và trải nghiệm sự tự do sẵn có trong từng khoảnh khắc chưa?

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo hướng dẫn này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Leo Babauta
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Leo Babauta là tác giả của sáu cuốn sách; là tác giả của blog Zen Habits với hơn 2 triệu người đăng ký, và cũng là chuyên gia của một số chương trình trực tuyến giúp bạn làm chủ thói quen của mình. Truy cập ZenHabits.net
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn