Ai dễ bị thiếu vitamin B2, cần chú ý điều gì khi bổ sung?

Vitamin B2, còn được gọi là riboflavin, có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng của cơ thể và duy trì chức năng của tế bào. Sự thiếu hụt vitamin B2 có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe khác nhau.

Bài viết này sẽ giới thiệu các chức năng của vitamin B2, các triệu chứng thiếu hụt, phương pháp bổ sung và các cảnh báo khi bổ sung vitamin B2.

Chức năng của Vitamin B2

Vitamin B2 là thành phần thiết yếu của các coenzyme trong cơ thể, rất quan trọng để duy trì các chức năng sinh lý bình thường. Các chức năng chính của vitamin B2 gồm:

  • Sản xuất năng lượng: Vitamin B2 đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa chất béo, carbohydrate và protein, trợ giúp chuyển hóa chất dinh dưỡng từ thức ăn thành năng lượng để cái thiện các chức năng bình thường của cơ thể.
  • Duy trì chức năng của tế bào: Vitamin B2 rất quan trọng cho các hoạt động khác nhau của tế bào, bao gồm cả quá trình tổng hợp vật chất di truyền.
  • Sức khỏe của làn da, thần kinh và mắt: Vitamin B2 có thể cải thiện tình trạng da, ngăn ngừa đau dây thần kinh và suy giảm thị lực. Một thử nghiệm không ngẫu nhiên cho thấy việc sử dụng thuốc nhỏ mắt riboflavin và điều trị bằng tia cực tím liều thấp trên bệnh nhân mắc bệnh keratoconus đã giúp cải thiện thị lực không được điều chỉnh và đạt được thị lực tốt nhất khi điều chỉnh bằng kính. Ngoài ra, một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với 55 người trưởng thành mắc chứng đau nửa đầu đã cho thấy rằng vitamin B2 có thể làm giảm số lần xuất hiện các cơn đau nửa đầu.
  • Chống ung thư và chống oxy hóa: Vitamin B2 sở hữu đặc tính chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi stress oxy hóa và tổn thương do các gốc tự do gây ra, do đó làm giảm nguy cơ ung thư. Một nghiên cứu được công bố trên The European Journal of Nutrition (Tập san Dinh dưỡng Âu Châu) cho thấy lượng vitamin B2 có liên quan nghịch với nguy cơ ung thư đại trực tràng. Một nghiên cứu khác cho thấy vitamin B2, B6 và B9 có tác dụng chống khối u trên các tế bào ung thư hạch bạch huyết.

Dấu hiệu thiếu vitamin B2

Vì vitamin B2 trợ giúp nhiều enzyme thực hiện các chức năng hàng ngày khác nhau trong cơ thể nên việc thiếu hụt vitamin B2 có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe. Các dấu hiệu phổ biến của tình trạng thiếu vitamin B2 bao gồm:

  • Môi khô và nứt nẻ, đau ở khóe miệng.
  • Viêm niêm mạc miệng và lưỡi, biểu hiện ở triệu chứng đỏ, sưng và đau, có thể xuất hiện vết loét miệng.
  • Cổ họng bị viêm và đau, gây khó nuốt.
  • Viêm da, dẫn đến da khô, thô ráp, ngứa và phát ban.
  • Viêm giác mạc kèm theo đỏ và đau mắt.
  • Các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
  • Đau dây thần kinh, suy giảm chức năng nhận thức và các vấn đề về cảm xúc.
  • Mệt mỏi và rối loạn chuyển hóa.

Các nhóm người có nguy cơ thiếu vitamin B2

Vitamin B2 có tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm. Việc bổ sung không đủ vitamin B2 trong khẩu phần ăn uống hoặc các bệnh tật ảnh hưởng đến sự hấp thụ và sử dụng vitamin B2 trong cơ thể có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin B2.

Các nhóm người sau đây có nguy cơ thiếu vitamin B2:

  • Những người ăn uống đơn điệu: Trong khi một số thực phẩm có nhiều vitamin B2 thì một số khác lại thiếu. Một công thức ăn uống không cân bằng và đơn điệu có thể dẫn đến thiếu hụt loại vitamin này.
  • Người ăn chay và thuần chay: Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường có hàm lượng vitamin B2 thấp hơn, vì vậy người ăn chay cần chú ý đến lượng vitamin B2 nạp vào.
  • Người lớn tuổi: Khi con người già đi, chức năng tiêu hóa có xu hướng suy giảm, dẫn đến giảm khả năng hấp thụ và sử dụng chất dinh dưỡng, dẫn đến thiếu hụt vitamin B2.
  • Người mắc bệnh mạn tính: Một số bệnh mạn tính có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu vitamin B2. Ví dụ, viêm đường tiêu hóa kinh niên, chẳng hạn như bệnh celiac (bệnh ruột nhạy cảm với gluten) và bệnh Crohn, có thể dẫn đến thiếu vitamin B2.
  • Trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh chủ yếu nhận dinh dưỡng từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Nếu người mẹ bổ sung vitamin B2 không đủ hoặc nếu sữa công thức thiếu vitamin B2 có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin B2 ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, phụ nữ cần bảo đảm bổ sung đủ vitamin B2 trong thời kỳ mang thai và cho con bú.

Các lưu ý khi bổ sung Vitamin B2

Thực phẩm có hàm lượng vitamin B2 cao bao gồm cá hồi, cá ngừ, nạc heo, trứng, nấm, rau bina, hạnh nhân và bơ.

Ngoài việc bổ sung vitamin B2 từ thực phẩm tự nhiên, cũng có thể lựa chọn bổ sung vitamin B2 từ thực phẩm chức năng. Việc bổ sung vitamin B2 nói chung là an toàn. Vì là loại vitamin tan trong nước nên vitamin B2 không bị tích tụ trong cơ thể, giảm nguy cơ nhiễm độc hoặc dị ứng. Tuy nhiên, dùng vitamin B2 liều cao hoặc sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác có thể dẫn đến tác dụng phụ.

Dưới đây là một số cảnh báo khi bổ sung vitamin B2:

  • Tránh bổ sung quá nhiều: Đưa vào cơ thể quá nhiều vitamin B2 có thể gây ra các triệu chứng như khó chịu ở dạ dày, tiêu chảy và đi tiểu nhiều. Theo Trường Y tế Cộng Đồng Chan thuộc trường Đại học Harvard, lượng vitamin B2 được khuyến nghị trong công thức ăn uống cho nam và nữ từ 19 tuổi trở lên lần lượt là 1.3 miligram và 1.1 miligram/ngày. Lượng khuyến nghị tăng lên lần lượt là 1.4 miligram và 1.6 miligram/ngày đối với phụ nữ mang thai và cho con bú.
  • Tương tác với thuốc: Bổ sung vitamin B2 có thể làm cản trở sự hấp thu của một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm 3 vòng và một số loại thuốc chống sốt rét.
  • Phản ứng dị ứng tiềm ẩn: Thuốc bổ sung vitamin B2 có chứa các thành phần bổ sung có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người, dẫn đến các triệu chứng như ngứa hoặc nổi mề đay. Vì vậy, điều cần thiết là phải đọc kỹ danh sách thành phần khi lựa chọn bổ sung vitamin B2.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan (Jingduan Yang) có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm thần học tích hợp," "Các vấn đề về thuốc," và "Liệu pháp tích hợp cho bệnh ung thư." Đồng tác giả "Hướng về phương Đông: Bí quyết cổ xưa về sắc đẹp+sức khỏe cho thời hiện đại" của HarperCollins và "Châm cứu lâm sàng và Trung y" của Oxford Press. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York, kể từ tháng 7/2022.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn