Nghiên cứu: Bổ sung Calcium gây tổn thương não

Việc dùng các chất bổ sung Calcium – ngay cả ở liều lượng thấp – có liên quan đến tổn thương não trong nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này.

Hầu hết các chế phẩm bổ sung calcium không có gì ngoài việc gây hại. Ý tưởng dùng calcium ở dạng viên nén để “giữ cho xương chắc khỏe” không có nhiều ý nghĩa vì, thứ nhất, chúng ta có thể thu được calcium từ thức ăn. Thứ hai, xương của chúng ta là một mô sống, ngoài calcium còn cần vitamin C, acid amino, magnesium, silica, vitamin D và K, v.v. chưa kể còn cần vận động thường xuyên. Không có ích gì khi chỉ bổ sung calcium và bỏ qua các yếu tố quan trọng khác, đồng thời việc xem bệnh loãng xương hoặc thiếu xương là do thiếu hụt các chất bổ sung calcium cũng không hợp lý!

Như chúng tôi đã đưa tin rộng rãi trước đây, không chỉ là tiêu thụ đá vôi, xương, vỏ hàu và vỏ trứng là ý tưởng sai lầm vì calcium có thể lắng đọng trong các mô mềm dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ, mà thậm chí mục tiêu duy trì mật độ xương dày đặc như một thanh niên 25 tuổi ở giai đoạn cuối đời là điều vô cùng nguy hiểm, bao gồm nguy cơ ung thư vú cao hơn nhiều ở những người có mật độ xương dày nhất.

Thay vì xem quá trình lão hóa là một bệnh lý và tập trung vào việc làm xương đặc hơn mức cần thiết, thì chúng ta nên tập trung vào chất lượng và sự nhanh nhẹn của xương, và tăng hiểu biết của bản thân về cơ thể trong giai đoạn cuối đời, giúp người cao tuổi tránh những cú ngã dẫn đến gãy xương ngay từ đầu. Nói cách khác, ngoài mật độ khoáng của xương, chỉ đơn giản là rối loạn thị giác hoặc dáng đi cũng có thể là yếu tố quan trọng dẫn đến gãy xương.

Tuy nhiên, vấn đề của các chất bổ sung calcium vô cơ, kém chất lượng, không chỉ dừng ở việc góp phần vào nguy cơ gây bệnh tim mạch. Sự kết hợp của các yếu tố bao gồm mức magnesium thấp, vitamin K2 và sự hiện diện của fluoride trong nước và bữa ăn có thể dẫn đến vôi hóa [calcium hóa] tuyến tùng, cũng như vôi hóa các cấu trúc khác trong bộ não, mà giả thuyết gần đây cho thấy đó là một yếu tố góp phần trong cơ chế bệnh sinh của bệnh Alzheimer.

Tập san British Journal of Nutrition: Brain Calcium Lesions (tạm dịch: Tổn thương calcium ở não)
Tập san British Journal of Nutrition: Brain Calcium Lesions (tạm dịch: Tổn thương calcium ở não)

Tập san British Journal of Nutrition đã đăng tải một nghiên cứu gây tranh cãi về chủ đề này nhưng lại vô tình bị bỏ qua, vì không được các kênh y tế dòng chính báo cáo tại thời điểm phát hành. Với tiêu đề, “Elevated brain lesion volumes in older adults who use calcium supplements: a cross-sectional clinical observational study” (tạm dịch: Nghiên cứu quan sát lâm sàng cắt ngang: Tăng thể tích tổn thương não ở những người lớn tuổi dùng các chất bổ sung calcium), nghiên cứu đã xem xét mối liên quan giữa các chất bổ sung calcium và các bệnh lý mạch máu trong bệnh tim mạch [được đề cập] ở nhiều nghiên cứu, cũng như khả năng có liên quan đến sự xuất hiện của các tổn thương não (gọi là tăng tín hiệu trên phim chụp MRI) ở người cao tuổi. Những tổn thương não này, có thể nhìn thấy dưới dạng các đốm sáng trong phim chụp MRI, nguyên nhân gây ra tổn thương là do thiếu máu lưu thông (thiếu máu cục bộ) và tổn thương thần kinh.

Quét não: MRI, những đốm sáng tăng tín hiệu
Quét não: MRI, những đốm sáng tăng tín hiệu

Theo nghiên cứu,

“Các tổn thương não, biểu hiện sự tăng tín hiệu trên phim MRI (ảnh phía trên). Những tổn thương này thường phổ biến ở những người cao tuổi và làm gia tăng nguy cơ về các kết cục gây hại cho sức khỏe, bao gồm trầm cảm, suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ, đột quỵ, khuyết tật thể chất, gãy xương hông và tử vong. Các nghiên cứu khám nghiệm tử thi đã xác định những tổn thương này được hình thành chủ yếu do thiếu máu cục bộ, đặc biệt là những tổn thương lớn (.3mm) và những tổn thương được tìm thấy ở người bị trầm cảm.”

Nghiên cứu quan sát đã tuyển chọn 227 người cao tuổi (60 tuổi trở lên) và đánh giá lượng thực phẩm và calcium đã tiêu thụ. Những người tham gia bổ sung calcium trên 0 được phân loại thành những người dùng bổ sung calcium. Thể tích tổn thương được đánh giá trên phim chụp MRI.

Những phát hiện chính là:

Thể tích tổn thương lớn được tìm thấy nhiều hơn ở những người dùng calcium so với những người không dùng.

Ảnh hưởng của việc bổ sung calcium rất tương đồng với những ảnh hưởng của cao huyết áp, “một yếu tố nguy cơ gây tổn thương được biết đến rộng rãi.”

Nghiên cứu đã phát hiện rằng lượng calcium bổ sung không liên quan với thể tích tổn thương và “ngay cả khi bổ sung với liều thấp, cũng có thể xuất hiện những tổn thương có thể tích lớn ở người cao tuổi.”

Ngay cả sau khi kiểm soát lượng calcium từ thực phẩm, độ tuổi, giới tính, chủng tộc, trình độ học vấn, năng lượng tiêu thụ, trầm cảm, và cao huyết áp, mối liên quan giữa việc bổ sung calcium và các tổn thương não lớn vẫn rất mạnh mẽ.

Chi tiết nghiên cứu được tóm tắt như sau:

“Trong nghiên cứu lâm sàng cắt ngang hiện tại, mối liên quan giữa việc sử dụng thực phẩm bổ sung có chứa Ca (calcium) và thể tích tổn thương đã được phát hiện trong mẫu nghiên cứu với 227 người cao tuổi (60 tuổi trở lên). Thực phẩm và lượng Ca bổ sung được đánh giá theo bảng câu hỏi về tần suất thực phẩm của Block 1998 (Block 1998 FFQ); những người tham gia có lượng Ca bổ sung trên 0 được phân vào nhóm những người dùng bổ sung. Thể tích tổn thương được xác định từ chụp MRI sọ não (1.5 tesla) với kỹ thuật chụp bán tự động; thể tích [tổn thương] được chuyển đổi theo log vì chúng không bình thường. Mô hình phân tích phương sai ANCOVA đã tiết lộ những người dùng bổ sung calcium có những thể tích tổn thương lớn hơn so với những người không dùng bổ sung calcium, thậm chí sau khi kiểm soát hàm lượng Ca nạp vào từ thức ăn, độ tuổi, giới tính, chủng tộc, trình độ học vấn, năng lượng tiêu thụ, trầm cảm, và cao huyết áp (Ca bổ sung: β = 0.34, SE 0.10, F(1,217)= 10.98, P= 0.0011). Ảnh hưởng của việc bổ sung Ca đối với thể tích tổn thương là rất tương đồng với ảnh hưởng của cao huyết áp, một yếu tố nguy cơ gây tổn thương đã biết đến rộng rãi. Trong số những người dùng bổ sung, hàm lượng Ca bổ sung không có liên quan với thể tích tổn thương (β = – 0.000035, SE 0.00 015, F(1,139)= 0.06, P= 0.81). Nghiên cứu hiện tại đã chứng minh rằng việc bổ sung Ca từ thực phẩm, ngay cả khi bổ sung với liều thấp, có liên quan đến những tổn thương có thể tích lớn ở người cao tuổi. Việc đánh giá từ các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên được bảo đảm để xác định liệu mối liên quan này có phải là quan hệ nhân quả hay không.”

Cơ chế bên dưới mối liên quan này là gì?

Các nhà nghiên cứu đã thảo luận về mối liên kết được phát hiện giữa việc bổ sung calcium và sự gia tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ, cho thấy việc bổ sung calcium có thể góp phần làm tích tụ calcium trong mạch máu (gọi là vôi hóa động mạch), chủ yếu ở nơi các chất béo tích tụ (mảng xơ vữa) góp phần làm hẹp lòng ống trong mạch máu.

Họ tuyên bố rằng quá trình này có thể dẫn đến thiếu máu lưu thông và sau đó là thiếu oxy máu (thiếu máu cục bộ), cuối cùng dẫn đến sự phát triển của các tổn thương não. Cơ chế khác mà lượng calcium dư thừa có thể trực tiếp gây độc thần kinh đối với não là dòng calcium dư thừa đi vào tế bào não sẽ dẫn đến sự chết tế bào. Khả năng này sẽ càng cao hơn nếu hàng rào máu não bị tổn thương.

Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sự bổ sung calcium có thể tác động đáng kể đối với các tổn thương não tương tự như cao huyết áp:

“Nếu phát hiện này được xác nhận trong các nghiên cứu dọc, nó sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe – vì rõ ràng việc ngừng bổ sung Ca dễ hơn nhiều so với việc kiểm soát cao huyết áp về mặt y tế.”

Nói cách khác, cao huyết áp thực sự có thể làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim thường là do dùng các loại thuốc hạ huyết áp độc hại. Tại sao không loại bỏ một trong những nguyên nhân có thể điều chỉnh được: Việc bổ sung calcium, thứ sẽ nhắm vào một trong những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và giải quyết nó?

Các nhà nghiên cứu đã đưa đến kết luận như sau:

“[Chúng tôi] phát hiện việc bổ sung Ca [calcium] trong các bữa ăn ở người cao tuổi có liên quan đến thể tích tổn thương não lớn, ngay cả sau khi kiểm soát hàm lượng Ca nạp vào từ thức ăn. Điều thú vị là, cả hàm lượng bổ sung Ca cũng như thời gian bổ sung Ca đều không liên quan đến thể tích tổn thương. Những phát hiện này cho thấy các tác động sinh hóa bất lợi từ việc bổ sung Ca có thể tồn tại ở những người cao tuổi, bất kể liều lượng bao nhiêu.”

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên thể hiện mối liên quan này. Một nghiên cứu khác, được đăng vào năm 2009 trên tập san Medical Hypothesis đã liên kết bệnh Alzheimer với tình trạng vôi hóa não của các cấu trúc như tuyến tùng quả. Tìm hiểu thêm qua “A Radically New Understanding of Alzheimer’s Disease Causes and Cures” (Một hiểu biết hoàn toàn mới về nguyên nhân và cách chữa trị bệnh Alzheimer).

Vậy chúng ta nên làm gì thay vì bổ sung Ca?

Đầu tiên, hãy xem xét lý do tại sao bạn nghĩ mình cần bổ sung Ca. Có phải là do ngành công nghiệp sữa đã thúc đẩy ý tưởng rằng chúng ta cần bổ sung calcium (từ sữa) trong nhiều thập niên qua? Hoặc có phải là vì bác sĩ của bạn đang dùng những thuật ngữ như thiếu xương và loãng xương một cách vô ý mà không giải thích rằng khoảng tham chiếu của mật độ khoáng xương (BMD) thời nay gây lầm tưởng rằng lão hóa là một căn bệnh và cho dù 60 hay 100 tuổi thì cũng cần phải có mật độ khoáng xương (BMD) giống một người phụ nữ trẻ 25 tuổi – một ý tưởng vô lý và nguy hiểm.

Vui lòng đọc “Osteoporosis Myth: The Dangers of High Bone Mineral Density” (Lầm tưởng về bệnh loãng xương: Mối nguy hiểm của mật độ khoáng xương cao) để hiểu làm thế nào hàng triệu người phụ nữ khỏe mạnh lại tin rằng lão hóa là một căn bệnh, với các kết cục sức khỏe kém hơn do chẩn đoán và điều trị quá mức cần thiết.

Bây giờ khi nói về calcium, hãy tập trung vào các nguồn thực phẩm. Trang NutritionData.com liệt kê khoảng 1,000 thực phẩm chứa hàm lượng calcium cao nhất, được phân loại vào nhóm thực phẩm giàu calcium nhất. Ví dụ, cải xoăn có hàm lượng calcium cao hơn sữa (cùng với lượng magnesium và silica còn cao hơn nhiều) khi so sánh miligram trên miligram.

Ngoài ra, hãy nhớ rằng tốc độ tiêu xương xảy ra nhanh hơn khi phụ nữ ngày càng lớn tuổi, do sự thay đổi nội tiết tố liên quan đến cạn kiệt nguồn dự trữ buồng trứng. Tuy nhiên, thiên nhiên đã cung cấp nguồn hỗ trợ “dự phòng” cho buồng trứng là quả thạch lựu. Các thực phẩm điều hòa nội tiết tố khác bao gồm thực phẩm lên men từ đậu nành như miso, mận khô và thậm chí cả vitamin C, gần đây đã được phát hiện là có tác dụng tái tạo các hormone steroid.

Đăng lại từ GreenMedInfo.com

Sayer Ji là người sáng lập Greenmedinfo.com, một nhà bình duyệt tại Tạp chí Quốc tế về Dinh dưỡng Con người và Y học Chức năng, nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Systome Biomed, phó chủ tịch hội đồng quản trị của Liên đoàn Y tế Quốc gia và là thành viên ban chỉ đạo của Tổ chức toàn cầu không biến đổi gen. Bài báo này ban đầu được xuất bản trên Greenmedinfo.com.

Nhóm Nghiên cứu GMI chuyên nghiên cứu các vấn đề sức khỏe và môi trường quan trọng nhất, đặc biệt chú trọng đến sức khỏe môi trường. Nghiên cứu chuyên sâu và tập trung của nhóm sẽ khám phá nhiều cách – mà tình trạng hiện tại của cơ thể con người phản ánh trực tiếp trạng thái thực của môi trường xung quanh. Bài viết này được sao chép và đăng tải với sự cho phép của GreenMedInfo LLC. Đăng ký nhận bản tin của họ tại https://greenmedinfo.com/newsletter

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Sayer Ji
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Sayer Ji là người sáng lập Greenmedinfo.com, một nhà bình duyệt tại Tạp chí Quốc tế về Dinh dưỡng Con người và Y học Chức năng, nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Systome Biomed, phó chủ tịch hội đồng quản trị của Liên đoàn Y tế Quốc gia và là thành viên ban chỉ đạo của Tổ chức toàn cầu không biến đổi gen. Bài báo này ban đầu được xuất bản trên Greenmedinfo.com.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn