Tái tạo bộ não là có thật: 5 phương thức giúp tái tạo não

Tái tạo não từng được cho là không thể nhưng hiện nay, người ta đã am tường hơn

Bạn đã bao giờ ước ao về khả năng tái tạo những tế bào não mà bạn đã “hy sinh” khi còn học đại học chưa? Bạn có e sợ rằng bộ não lão hóa của mình đang trong tình trạng suy giảm vĩnh viễn không? Y học đang được viết lại để cho chúng ta thấy là chúng ta có thể sửa chữa được bộ não của mình, và đó là điều mà ai cũng có thể làm được.

Có một quan niệm sai lầm phổ biến là não không thể sửa chữa được. Thậm chí, ngay cả cơ sở y tế cũng khẳng định rằng hễ chúng ta giết chết tế bào não thì chúng sẽ chết vĩnh viễn.

Tuy nhiên, khoa học ngày nay đã chứng minh, rằng não có thể tự sửa chữa được, và chỉ cần thực hiện một số hành động đơn giản cũng mang lại những lợi ích thực sự, có thể giúp bộ não của chúng ta luôn nhạy bén và linh hoạt trong suốt cuộc đời.

Viết lại câu chuyện về sức khỏe bộ não

Lĩnh vực về khoa học thần kinh nhận thức còn tương đối mới – chỉ khoảng 100 năm tuổi – do đó, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta liên tục đạt được những hiểu biết mới hơn và tốt hơn về cách hệ thống dây thần kinh của não người trợ giúp hoạt động tổng thể của bộ não.

Trong hầu hết 100 năm này, người ta cho rằng một khi não bị tổn thương thì sẽ không thể tái tạo được nữa. Tế bào não là hữu hạn, và bất kỳ mất mát hoặc tổn thương nào cũng sẽ dẫn đến khiếm khuyết trong suốt quãng đời còn lại. Điều này đã gây ra một niềm tin sai lầm rằng bộ não về bản chất đang ở trong trạng thái suy giảm vĩnh viễn.

Mặc dù bằng chứng thuyết phục về điều ngược lại đã được đưa ra ngay từ năm 1960, nhưng tốc độ thay đổi của các giáo điều y tế còn chậm (và hiện tại vẫn đang là như vậy). Mãi đến những năm 1980, nghiên cứu của Fernando Nottebohm tại Đại học Rockefeller mới cho thấy rõ ràng rằng quá trình hình thành tế bào thần kinh – sản xuất các tế bào thần kinh mới hay còn gọi là neuron – đang diễn ra trong não động vật có xương sống trưởng thành.

Bước tiến lớn tiếp theo trong quá trình phát triển của ngành khoa học này có thể còn hơn 30 năm nữa. Tuy nhiên, tốc độ hiểu biết của chúng ta về cách thức hoạt động của bộ não sắp có một bước nhảy vọt.

Bộ não “mềm dẻo” của chúng ta

Năm 1992, các nhà khoa học đã phân lập tế bào gốc thần kinh của chuột trong một đĩa Petri và đây là lần đầu tiên sự phát triển của tế bào thần kinh mới trong não động vật có vú trưởng thành được quan sát. Trong 25 năm tiếp theo, sự tái tạo này đã được lặp lại hàng nghìn lần trong các nghiên cứu được công bố khác nhau.

Thời nay, cộng đồng Y tế đã chấp nhận rằng não người trưởng thành có thể tạo ra các tế bào thần kinh và tế bào thần kinh đệm mới, điều mà trước đây cộng đồng y tế không tin là có thể thực hiện được. Bộ não bây giờ được cho là có khả năng đàn hồi, mềm dẻo như plastic.

Thuật ngữ “tính mềm dẻo thần kinh” đề cập đến khả năng “tái tạo” của bộ não bằng cách thực hành các kỹ năng cần thiết. Chính sự kết hợp của các tế bào mới và việc học các điều mới đã tạo ra điều kỳ diệu này. Khi các tế bào thần kinh non trẻ được kích thích tốt (nghĩa là được huấn luyện bằng các bài học cụ thể) sẽ tạo ra các kết nối mới. Nói cách khác, những tế bào thần kinh này trở thành tế bào não khỏe mạnh trợ giúp cho việc học và phát triển các kỹ năng mới.

Cũng giống như các cơ của cơ thể, não sẽ hồi phục và phát triển khi được nuôi dưỡng tốt và được kích thích bằng các bài tập thể dục thích hợp. Nếu được chăm sóc và nuôi dưỡng đúng cách thì quá trình tái tạo não tuyệt vời này có thể diễn ra trong suốt cuộc đời.

Để giúp việc luyện tập này trở nên “dễ dàng” hơn, GreenMedInfo đã tổng hợp danh sách các cách đơn giản mà bạn có thể thực hiện để bảo vệ sức khỏe bộ não của mình, kích thích sự phát triển của tế bào não mới và thậm chí là chữa lành não của bạn.

1. Tập thể dục thường xuyên cho bộ não

Khi nghe thấy cụm từ “rèn luyện trí não”, có lẽ bạn sẽ không nghĩ đến việc nâng tạ. Nhưng kỳ thực, hoạt động thể chất là một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho cơ thể và bộ não của mình.

7 mẹo cải thiện trí nhớ của bạn (Ảnh: Natali _ Mis/Shutterstock)
7 mẹo cải thiện trí nhớ của bạn (Ảnh: Natali _ Mis/Shutterstock)

Lợi ích của việc tập thể dục đối với bộ não là gấp đôi. Đầu tiên, não là nơi tiêu thụ rất nhiều glucose và oxy nhưng lại không có khả năng tích trữ năng lượng dư thừa để sử dụng sau này. Vì vậy, bạn cần cung cấp liên tục các chất dinh dưỡng này để duy trì khả năng hoạt động tối ưu cho não.

Tập thể dục làm tăng lưu lượng máu lên não, do đó cần cung cấp cho các tế bào não đang đói nguồn oxy tươi và glucose. Nghiên cứu năm 2014 cho thấy chỉ cần 30 phút tập Cardio (là những bài tập thể dục giúp kiểm soát nhịp tim, tăng lượng oxy và lưu lượng máu đi đến khắp cơ thể khi sử dụng các nhóm cơ lớn) ở mức độ vừa phải là đủ để tăng cường chức năng nhận thức trong não người trưởng thành ở mọi lứa tuổi.

Nhưng lợi ích không dừng lại ở đó. Tập thể dục được cho là có thể kích thích sự hình thành thần kinh hồi hải mã. Đây là sự phát triển của các tế bào mới trong những khu vực của não liên quan đến trí nhớ dài hạn và tâm trạng. Sự phát triển tế bào khỏe mạnh ở khu vực này rất quan trọng đối với bộ não đang lão hóa và được cho là có thể giúp ngăn ngừa chứng suy giảm nhận thức liên quan đến chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.

2. Giảm căng thẳng

Thế giới hiện đại của chúng ta đầy căng thẳng, vì vậy nhu cầu thư giãn là điều dễ hiểu. Có thể bạn chưa nhận thức được rằng việc liên tục đắm chìm trong hormone căng thẳng để lựa chọn giữa chiến đấu hay bỏ cuộc có thể gây hại cho não của bạn như thế nào.

Căng thẳng là một trong những yếu tố hàng đầu dẫn đến suy giảm nhận thức do tuổi tác. Vì vậy, các hoạt động giải trí thường xuyên không chỉ là một thú vui mà còn là một bước quan trọng để bảo đảm sức khỏe bộ não tối ưu.

Bạn không cần phải tìm đâu xa cho ra cách giảm căng thẳng mà nên để sở thích của bạn hướng dẫn bạn. Chìa khóa để chọn những hoạt động giải trí lành mạnh cho bộ não là tránh các hoạt động thụ động như xem TV và thay vào đó nên chọn những sở thích kích thích bộ não thông qua các mô hình, câu đố và giải quyết vấn đề.

Một nghiên cứu năm 2011 được công bố trên Tập san Khoa học Thần kinh cho thấy rằng việc thực hiện các hoạt động như chơi trò chơi, đọc sách và các hoạt động thủ công như may vá và đan lát giúp giảm tới 50% tỷ lệ suy giảm nhận thức.

Tham gia tích cực các môn nghệ thuật cũng được xếp hạng cao trong danh sách những sở thích lành mạnh cho bộ não. Các nghiên cứu, một lần nữa, đã chứng minh rằng: chỉ đóng vai trò là một người quan sát thụ động thôi là chưa đủ. Để thúc đẩy được trí não thì chúng ta nên cùng tham gia vào các hoạt động đó.

Trong nghiên cứu của Đức được báo cáo trên Tập san PLOS One, các nhà nghiên cứu đã xem xét hai nhóm người: một nhóm xem nghệ thuật và một nhóm sáng tạo nghệ thuật. Nghiên cứu kết luận rằng: sự tương tác giữa vỏ não trước và não của những người sáng tạo nghệ thuật tăng lên so với những người xem nghệ thuật. Khả năng kết nối bộ não tăng lên đưa đến khả năng phục hồi tâm lý được nâng cao trong nhóm những người sáng tạo nghệ thuật. Nói cách khác, khả năng chống lại các tác động tiêu cực của căng thẳng ở nhóm người này được cải thiện.

Bạn đang tìm kiếm một cách đơn giản hơn để thư giãn? Nghe một bản nhạc du dương hoặc ngồi thiền trong yên lặng thì sao? Thiền định đã được chứng minh là làm giảm huyết áp, giảm viêm và thậm chí còn có khả năng chống lại cảm giác lo lắng và trầm cảm. Mặc dù nghe nhạc có vẻ giống như một hoạt động thụ động, nhưng nghiên cứu đã cho thấy rằng việc nghe các bản nhạc hay giúp thúc đẩy quá trình hình thành tế bào thần kinh trong não.

Tái tạo bộ não là có thật: 5 phương thức giúp tái tạo não
Không chỉ làm chậm quá trình lão hóa, mang lại nội tâm thanh tĩnh, thiền định còn giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh và kéo dài tuổi thọ. (Ảnh: The Epoch Times)

Cả thiền định và âm nhạc đều ảnh hưởng đến việc tiết ra các hormone quan trọng giúp tăng cường sự dẻo dai của não, từ đó thay đổi cách chúng ta phản ứng với căng thẳng.

Bây giờ hãy nói về một số loại thực phẩm có hiệu quả tốt cho bộ não.

3. Bổ sung hợp lý các chất tốt cho bộ não

Củ nghệ

Có thể bạn từng nghe ai đó nói nhiều về lợi ích của củ nghệ. Loại củ màu cam đậm này được dùng như một loại thuốc chữa bách bệnh, từ làm dịu cơn đau khớp, giảm viêm, đến giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Kiến thức của chúng ta về những lợi ích của loại thảo dược cổ xưa này vẫn đang tiếp tục phát triển.

Tái tạo bộ não là có thật: 5 phương thức giúp tái tạo não
Nghệ là một trong những loại cây được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất trên thế giới và có thể là nguyên nhân gây mất ngủ hàng đêm cho một số giám đốc điều hành công ty dược phẩm. (Ảnh: Shutterstock)

Nghệ là một ví dụ về hợp chất tạo màng, có tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo dây thần kinh đã được chứng minh.

Các hợp chất tái tạo màng có tác dụng sửa chữa lớp vỏ bảo vệ xung quanh bó dây thần kinh được gọi là myelin. Myelin thường bị phá hủy trong các bệnh tự miễn dịch và do vaccine gây ra. Các nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả liều lượng nhỏ của các chất phục hồi này cũng có thể tạo ra sự tái tạo thần kinh đáng kể.

Kiểu mẫu can thiệp bằng thuốc của Tây phương đã tạo ra một nền văn hóa nghiên cứu tập trung vào việc xác định và cô lập các “thành phần hoạt tính” của chất hữu cơ. Điều này đã không giải thích được là các hợp chất hữu cơ thường hoạt động đồng bộ với nhau: bản thân các chất phân lập có thể thiếu thành phần chính do một nguyên tố thực vật khác cung cấp.

Curcumin là thành phần hoạt chất được phân lập từ nghệ, tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy rằng một nguyên tố khác được tìm thấy trong nghệ có các đặc tính kỳ diệu riêng của nó.

Trong nghiên cứu thú vị được công bố trên Tập san Nghiên cứu và Liệu pháp Tế bào Gốc, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một thành phần ít được biết đến của nghệ là Ar-turmerone, có thể là “thành phần hứa hẹn trợ giúp tái tạo trong các chứng rối loạn thần kinh.”

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi các tế bào não tiếp xúc với ar-turmerone, số lượng và độ phức tạp của các tế bào gốc thần kinh tăng lên cho thấy tác dụng chữa bệnh đang diễn ra. Hiệu ứng này được tái tạo ở chuột, những con chuột này đã tăng sản xuất tế bào gốc thần kinh và tế bào não mới khỏe mạnh khi tiếp xúc với ar-turmerone.

Trà xanh

Nghiên cứu năm 2014 đã xem xét các hợp chất hoạt động trong trà xanh (được gọi là catechin, một loại vi chất dinh dưỡng chính), đã xác định rằng catechin trong trà xanh không chỉ có đặc tính chống oxy hóa và bảo vệ thần kinh, mà còn kích thích não sản xuất nhiều tế bào thần kinh hơn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy uống trà xanh giúp giảm áp lực và trầm cảm. (Ảnh: Nishihama/Shutterstock)
Nhiều nghiên cứu cho thấy uống trà xanh giúp giảm áp lực và trầm cảm. (Ảnh: Nishihama/Shutterstock)

Do tác dụng phục hồi đối với các vùng não bị tổn thương nói trên mà trà xanh đã được chứng minh là có tác dụng tốt trong việc điều trị các chứng thoái hóa thần kinh “không thể chữa khỏi” như Alzheimer, Parkinson và Huntington. Điều này khiến các nhà nghiên cứu tuyên bố catechin trong trà xanh là “chất bổ sung rất hữu ích” trong việc điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh.

Nghiên cứu sâu hơn về trà xanh đã phân tích sự kết hợp của quả việt quất, trà xanh và carnosine, và phát hiện ra rằng kết hợp này thúc đẩy sự phát triển của các tế bào thần kinh mới và tế bào gốc của bộ não trong các mô hình động vật bị bệnh thoái hóa thần kinh.

Bạch quả

Bạch quả được coi là một thảo dược vô cùng quý trong dược điển thảo dược, và tác dụng của bạch quả đối với sức khỏe bộ não cũng hiệu quả không kém. Bạch quả đã được chứng minh là có ít nhất 50 lợi ích sức khỏe khác nhau và các đặc tính y học của bạch quả đã được ghi nhận trong việc điều trị hơn 100 loại bệnh khác nhau.

Tái tạo bộ não là có thật: 5 phương thức giúp tái tạo não
Không loài cây nào còn sống đến ngày nay có hình dạng lá như cây bạch quả (Ảnh: toto8888/iStock)

Có rất nhiều nghiên cứu về khả năng của bạch quả trong việc kích thích mức độ của loại protein não quan trọng được gọi là protein BDNF: yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não. Protein này ảnh hưởng đến việc chữa lành các khu vực tổn thương của não và cần thiết cho sự điều hòa, tăng trưởng và tồn tại của các tế bào não, do đó protein BDNF đặc biệt quan trọng đối với trí nhớ dài hạn.

Bạch quả hiệu quả đến nỗi một bài báo năm 2006 được công bố trên Tập san Thần kinh học Âu Châu cho thấy bạch quả có hiệu quả ngang với loại thuốc bom tấn Donepezil trong điều trị bệnh Alzheimer.

Gần đây, bài nghiên cứu trên Tập san Tế bào và Sinh học thần kinh Phân tử đã tiết lộ cơ chế mới đằng sau các đặc tính chữa bệnh não của bạch quả. Các nhà nghiên cứu xác định rằng bạch quả có hiệu quả một phần là do hạch quả có khả năng điều chỉnh tế bào gốc thần kinh (NSC) thành loại tế bào cần thiết cho vùng não cụ thể nơi các protein BDNF hoạt động.

NSC là các tế bào đa năng, có khả năng kỳ diệu trong việc biến đổi hình dạng thành bất kỳ kiểu hình nào của các tế bào tạo nên não. Bạch quả kích thích sự phát triển của kiểu hình tế bào phù hợp cho vùng não bị ảnh hưởng, cung cấp cho não của chúng ta chính xác những gì cần thiết, những nơi cần thiết. Vậy nên bạch quả thực sự là một loại thuốc thông minh.

4. Ăn nhiều rau xanh

Bạn muốn kích thích tái tạo tế bào não trong khi đang ăn trưa? Hãy thêm một ít bông cải xanh hấp vào khẩu phần ăn của bạn!

Tái tạo bộ não là có thật: 5 phương thức giúp tái tạo não
Rau diếp, rau bina, cải xoăn và củ dền dồi dào nitrate. (Ảnh: Photos.com)

Nghiên cứu khoa học đã bổ sung một chất gọi là sulforaphane, có trong các loại rau dồi dào lưu huỳnh như bông cải xanh vào danh sách ngày càng nhiều các hoạt chất phát triển thần kinh đã được chứng minh là có tác dụng kích thích các dây thần kinh trong não phát triển.

Nghiên cứu được công bố trên Tập san Genesis tiết lộ rằng: ngoài việc kích thích sự phát triển dây thần kinh mới, sulforaphane đã chứng minh các đặc tính chữa bệnh đáng kể như một chất chống oxy hóa và chống viêm, cũng như ngăn ngừa bệnh tật và cái chết của các tế bào thần kinh khỏe mạnh.

Ngoài những phát hiện thú vị trên, nhiều nhà nghiên cứu còn quan sát thấy tác dụng có lợi của sulforaphane đối với tế bào gốc thần kinh, cho phép các tế bào gốc biệt hóa thành các loại neuron hữu ích cụ thể. Phát hiện này hỗ trợ mạnh mẽ cho giả thuyết rằng sulforaphane kích thích quá trình sửa chữa bộ não.

Các loại rau có chứa sulforaphane bao gồm bông cải xanh, cải Brussels, bắp cải, súp lơ trắng, cải ngựa, cải xoăn, su hào, lá mù tạt, củ cải đỏ, cải củ turnip, cải xoong và cải ngọt. Để có lợi ích điều trị, hãy cố gắng ăn ít nhất 3 cup mỗi ngày, ăn sống hoặc nấu chín.

5. Thường xuyên học hỏi

Trong nghiên cứu và cả bằng chứng giai thoại đều cho thấy lão hóa thường liên quan đến sự suy giảm nhận thức. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tài liệu cho rằng việc duy trì một bộ não nhạy bén, minh mẫn có nghĩa là không bao giờ để các kỹ năng tư duy phản biện bị mai một.

Việc rèn luyện trí óc bằng các hoạt động thử thách thần kinh có thể giúp cải thiện trí nhớ. (Ảnh: Shuttestock)
Việc rèn luyện trí óc bằng các hoạt động thử thách thần kinh có thể giúp cải thiện trí nhớ. (Ảnh: Shuttestock)

Nghiên cứu nói trên được công bố trên Tập san Tâm thần học thần kinh khẳng định nhu cầu không ngừng thách thức và mở rộng lối suy nghĩ của chúng ta. Nghiên cứu này đã theo dõi tác động của các hoạt động trong thời gian rảnh rỗi đối với chứng suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) ở một nhóm người lớn tuổi (từ 70 đến 89 tuổi).

Nghiên cứu xác định rằng mức độ phức tạp của hoạt động là chìa khóa để ngăn ngừa hiệu quả chứng suy giảm nhận thức nhẹ (MCI). Việc sử dụng máy tính, đọc sách và các hoạt động liên quan đến nhận dạng khuôn mẫu và giải quyết vấn đề đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ bị chứng suy giảm nhận thức nhẹ. Các hoạt động ít kích thích hơn cho thấy không có tác dụng thống kê. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm giác được thử thách và kích thích bởi các hoạt động mà chúng ta theo đuổi khi chúng ta già đi.

Nghiên cứu năm 2014 trên gần 3,000 tình nguyện viên, kéo dài hơn một thập niên đã củng cố những phát hiện này. Nghiên cứu đã điều tra nhiều lợi ích lâu dài tiềm năng của việc đào tạo nhận thức ở người lớn tuổi. Kết quả là những người tham gia cho thấy tốc độ xử lý và khả năng suy luận của não được nâng cao lên đến 10 năm sau khi hoàn thành khóa đào tạo.

Những lợi ích hữu hình này của bộ não được phản ánh trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày và được đo lường bằng khả năng của những người tham gia trong việc hoàn thành các công việc bình thường hàng ngày, chẳng hạn như quản lý tài chính cá nhân, chuẩn bị bữa ăn và thói quen chăm sóc cá nhân. Nghiên cứu cho thấy môi trường kích thích giúp tăng độ phức tạp của bộ não.

Để biết thêm thông tin về các cách giữ cho bộ não khỏe mạnh, hãy truy cập trực tuyến cơ sở dữ liệu nghiên cứu sức khỏe bộ não của GreenMedInfo.

Minh Thư biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Sayer Ji
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Sayer Ji là người sáng lập Greenmedinfo.com, một nhà bình duyệt tại Tạp chí Quốc tế về Dinh dưỡng Con người và Y học Chức năng, nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Systome Biomed, phó chủ tịch hội đồng quản trị của Liên đoàn Y tế Quốc gia và là thành viên ban chỉ đạo của Tổ chức toàn cầu không biến đổi gen. Bài báo này ban đầu được xuất bản trên Greenmedinfo.com.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn