Chẩn đoán và điều trị ung thư gan – mối đe dọa ‘thầm lặng’

Tại sao con người lại bị ung thư gan? Có những lựa chọn điều trị nào và làm cách nào để ngăn chặn bệnh? Đây là một chủ đề rộng, nhưng trong bài viết này và các bài viết trong tương lai, chúng tôi sẽ đào sâu vào [cơ chế] khởi phát, các phương thức chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa ung thư gan, cũng như các phương pháp phòng ngừa và điều trị bên cạnh thực hành y học hiện đại.

Trong thế giới hiện đại của chúng ta, nhịp sống nhanh thường dẫn đến căng thẳng, áp lực, lo lắng và mỏi mệt về tinh thần. Mong muốn và nhu cầu có sức khỏe tốt ngày càng trở nên bức thiết. Trong bài viết này, tiến sĩ Dương Cảnh Đoan, bác sĩ tâm thần nổi tiếng người Mỹ gốc Hoa đến từ Philadelphia, sẽ chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về sức khỏe tinh thần và thể chất.

Ung thư gan là nguyên nhân gây tử vong liên quan đến ung thư tăng nhanh nhất ở Hoa Kỳ, cướp đi sinh mạng của gần 30,000 người trưởng thành mỗi năm. Theo Hiệp hội Gan Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong do ung thư gan ở Hoa Kỳ đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1980, với tỷ lệ tử vong do ung thư gan tăng lên 43% từ năm 2000 đến năm 2016.

Tại Hoa Kỳ, viêm gan siêu vi mạn tính là con đường dẫn đến ung thư gan. Nhiều người mang virus viêm gan B và một số thậm chí không nhận thức được điều này cho đến khi bệnh tiến triển thành viêm gan, xơ gan hoặc trong một số trường hợp là ung thư gan.

Sự hình thành của ung thư gan

Trước khi đi sâu vào các khía cạnh khác, điều cần thiết là phải hiểu khái niệm về bệnh ung thư. Trong điều kiện bình thường, các tế bào trong cơ thể con người thường xuyên trải qua quá trình trao đổi chất. Khi các tế bào già và chết đi, các tế bào mới sẽ thay thế. Tuy nhiên, ung thư xảy ra khi các tế bào trải qua quá trình biến đổi ác tính, dẫn đến sự phát triển không kiểm soát, phân chia liên tục, và mất đi các chức năng tế bào bình thường. Điều này ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan, cuối cùng có thể dẫn đến tử vong.

Mối liên hệ giữa khối u và ung thư là gì? Các khối u có thể lành tính hoặc ác tính, khối u ác tính được xem là ung thư. Ung thư có thể biểu hiện dưới dạng các khối rắn, nhìn thấy được do sự phân chia tế bào (khối u) không kiểm soát. Ung thư cũng có thể biểu hiện dưới các dạng như bệnh bạch cầu, một loại ung thư máu do sự biến đổi ác tính của một số tế bào bạch cầu và không dẫn đến sự phát triển của các khối rắn.

Ung thư gan, đặc biệt là ung thư gan nguyên phát, là sự biến đổi ác tính của tế bào gan. Điều này dẫn đến sự tăng sinh không kiểm soát, mất chức năng tế bào gan bình thường, tổn thương chức năng gan và cuối cùng là suy gan, có thể gây tử vong.

Phát hiện và chẩn đoán sớm ung thư gan

Ung thư gan là một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, chủ yếu là do giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Vào thời điểm các triệu chứng trở nên rõ ràng, ung thư thường ở giai đoạn tiến triển, hoặc di căn trong nhiều trường hợp, thường ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận như túi mật. U cũng có thể lây lan qua đường máu và bạch huyết đến các vị trí xa như xương, phổi và não.

Ở giai đoạn đầu của ung thư gan, bệnh nhân thường gặp các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân sẽ vàng da vàng mắt, nước tiểu sẫm màu và cuối cùng phát hiện thấy một khối u ở bụng.

Gan nằm ở vùng hạ sườn phải, ngay dưới bờ sườn phải và hơi ngả về phía sau. Một khối u trong gan có thể khiến gan to ra và thấy rõ khi khám thực thể. Trong những trường hợp ung thư gan nặng hơn, sự tích tụ dịch ở bụng, được gọi là cổ trướng, có thể xảy ra và dẫn đến các tình trạng như bệnh não gan với hậu quả lú lẫn và các triệu chứng thần kinh khác.

Chẩn đoán ung thư gan thường bao gồm việc đánh giá các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm sinh hóa. Một dấu ấn thiết yếu là alpha-fetoprotein (AFP), có xu hướng tăng cao ở bệnh nhân ung thư gan. Ngoài ra, điều quan trọng là phải đánh giá mức độ tổn thương chức năng gan thông qua xét nghiệm máu.

Hơn nữa, các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT và chụp MRI, có thể cung cấp thông tin có giá trị về hình dạng và kích thước gan cũng như vị trí khối u. Chụp MRI thường chính xác hơn so với chụp CT. Ngoài ra, chụp toàn bộ cơ thể như chụp cắt lớp phát xạ positron (chụp PET), có thể tiết lộ liệu ung thư có lan sang các khu vực khác trong cơ thể hay không. Những kỹ thuật hình ảnh này rất quan trọng để đánh giá mức độ bệnh và xác định phương pháp điều trị thích hợp.

Các lựa chọn điều trị ung thư gan

Ung thư gan được phân thành các giai đoạn sớm, trung gian và tiến triển dựa trên mức độ lan rộng của tế bào ung thư. Vì ung thư gan thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn nên việc điều trị tập trung chủ yếu vào việc giải quyết các vấn đề đe dọa tính mạng cấp tính, kiểm soát các triệu chứng như cổ trướng, điều chỉnh cân bằng sinh hóa và duy trì cân bằng nước – điện giải mà ít chú trọng đến việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ.

1. Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt bỏ khối u gan là lựa chọn đầu tiên thường được nghĩ đến khi điều trị ung thư gan. Tuy nhiên, điều kiện phẫu thuật của bệnh nhân phải được đánh giá cẩn thận. Các yếu tố chính để đánh giá bao gồm thể trạng của bệnh nhân và mức độ lan rộng của khối u. Nếu bệnh nhân có sức khỏe kém hoặc khối u đã lan đến nhiều cơ quan đến mức không thể cắt bỏ hoàn toàn thì có phẫu thuật cũng không giải quyết được vấn đề. Trong những trường hợp như vậy, phẫu thuật không phải là một lựa chọn điều trị thuận lợi vì có thể gây đau đớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Những người phù hợp để điều trị phẫu thuật thường là ung thư gan khu trú với một khối u nhỏ và không xâm lấn rộng đáng kể sang các khu vực xung quanh. Trong những trường hợp như vậy, có thể phẫu thuật cắt bỏ ung thư.

Gan sở hữu khả năng sửa chữa và tái tạo mạnh mẽ. Ngay cả khi loại bỏ tới 80% gan, các tế bào khỏe mạnh còn lại vẫn có thể đảm nhận một số chức năng và dần tái tạo để sửa chữa cơ quan này. Nếu khối ung thư quá lớn có thể cắt bỏ cục bộ nhưng chưa lan ra ngoài gan thì có thể cân nhắc ghép gan.

Cấy ghép nội tạng là một chủ đề nhạy cảm và phức tạp. Phẫu thuật này đòi hỏi sự tương thích hoàn toàn giữa người cho và người nhận để giảm thiểu nguy cơ thải ghép bởi hệ miễn dịch của người nhận. Vì vậy, việc tìm kiếm người hiến tạng phù hợp khá khó khăn. Trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã nổi lên như một quốc gia lớn trong lĩnh vực ghép tạng mặc dù thiếu hệ thống hiến tạng được xây dựng tốt hay thiếu phong tục hiến tạng. Nguồn gốc những nội tạng này ở Trung Quốc đã gây ra nhiều lo ngại.

Theo các tuyên bố chính thức, số nội tạng này được cho là lấy từ các tù nhân Trung Quốc bị hành quyết. Tuy nhiên, số tù nhân bị hành quyết ở Trung Quốc thấp hơn nhiều so với số ca cấy ghép được thực hiện. Hơn nữa, còn có những lo ngại về sức khỏe tổng thể của tù nhân và liệu có đủ điều kiện hiến tạng. Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa đưa ra lời giải thích thuyết phục mà phủ bóng đen lên toàn bộ lĩnh vực ghép tạng và tạo thêm lo lắng cho bệnh nhân đang tìm cách điều trị bằng cấy ghép.

2. Điều trị loại bỏ khối u tại chỗ

Phương pháp điều trị loại bỏ khối u tại chỗ áp dụng cho các khối u không quá lớn. Các phương pháp phổ biến bao gồm đốt sóng cao tần (RFA) và loại bỏ bằng hóa chất. Đốt sóng cao tần bao gồm việc đưa một kim điện cực nhỏ vào khối ung thư và sử dụng nhiệt cao tần để tiêu diệt trực tiếp các tế bào ung thư. Mặt khác, quá trình loại bỏ bằng hóa chất cần phải chích các chất hóa học vào khối u để tiêu diệt nó bằng cách làm đông tụ protein khối u.

3. Liệu pháp nút mạch

Liệu pháp nút mạch là một thủ thuật liên quan đến việc ngăn chặn động mạch cấp máu cho các tế bào ung thư. Quy trình bao gồm sử dụng một ống thông, đưa một chất như miếng bọt biển hoặc vật liệu tương thích sinh học lên từ chân và tiến đến vị trí khối u để làm tắc nghẽn động mạch, cắt đứt nguồn cấp máu cho khối u một cách hiệu quả. Khối u sẽ dần nhỏ lại do giảm lưu lượng máu. Mặc dù phương pháp này có thể tác động phần nào đến nhu mô lành của gan nhưng lưu lượng máu qua tĩnh mạch cửa sẽ làm giảm ảnh hưởng này.

Liệu pháp nút động mạch có thể được kết hợp với hóa chất. Trước khi nút động mạch, một chất hóa học được chích vào khối u gan qua ống thông. Việc làm tắc nghẽn động mạch cho phép hóa chất tồn tại trong khối u một thời gian dài, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị. Một hình thức loại bỏ tại chỗ khác là chích cồn vào khối u. Điều quan trọng cần lưu ý là những phương pháp điều trị này có thể dẫn đến tác dụng phụ hoặc gây khó chịu cho bệnh nhân.

4. Hóa trị

Hóa trị truyền thống bao gồm việc kết hợp hai đến ba loại thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Mặc dù hóa trị có thể ức chế tế bào ung thư một cách hiệu quả nhưng cũng có những hạn chế, bao gồm các tác dụng phụ đáng lưu tâm, quá trình điều trị đau đớn và ảnh hưởng đáng kể đến chức năng miễn dịch tổng thể của bệnh nhân, có khả năng gây ra các biến chứng.

Hóa trị có thể kéo dài tuổi thọ của một số bệnh nhân, nhưng không may, một số bệnh nhân có thể không chịu nổi tác dụng phụ của hóa chất.

5. Xạ trị

Xạ trị sử dụng bức xạ trực tiếp để điều trị các khu vực nhất định bị ảnh hưởng bởi ung thư, chẳng hạn như các vùng nhất định trong não hoặc trong xương. Nó có thể được thực hiện bằng cách sử dụng các máy xạ trị ngoài với kích thước lớn, nhắm mục tiêu chính xác vào vị trí khối u bằng các chùm bức xạ ion hóa hoặc bằng cách cấy các đầu bức xạ nhỏ tiếp cận khối u để chiếu xạ các tế bào ung thư. Những phương pháp điều trị này thường được sử dụng cho những bệnh nhân không đủ điều kiện phẫu thuật hoặc những người bị ung thư gan giai đoạn đầu.

Xạ trị ảnh hưởng đến cả tế bào ung thư và mô lành kế cận nhưng nhìn chung nó có tác động đến cơ thể ít hơn so với hóa trị.

6. Liệu pháp thay thế

Liệu pháp trúng đích là một phương pháp tương đối mới đây, sử dụng các loại thuốc được điều chế đặc biệt để nhắm mục tiêu vào các tế bào ung thư gan. Những loại thuốc này có thể được đưa trực tiếp đến vị trí khối u thông qua ống thông, cho phép loại bỏ tế bào ung thư một cách chính xác và có chọn lọc hơn. Liệu pháp nhắm mục tiêu vẫn đang trong quá trình phát triển nhưng đầy hứa hẹn đối với điều trị ung thư gan.

Ngoài các phương pháp điều trị đã đề cập, còn có nhiều liệu pháp bổ sung khác dành cho bệnh nhân ung thư gan. Đau là mối quan tâm đáng kể đối với bệnh nhân và có thể được kiểm soát thông qua thuốc và các phương pháp không dùng thuốc như thủ thuật phong bế thần kinh và xạ trị. Những liệu pháp bổ sung này được thiết lập để giảm đau và giảm bớt sự thống khổ chung cho bệnh nhân.

Bệnh nhân ung thư gan thường kiệt quệ về thể chất, đặc biệt là sau khi trải qua hóa trị và xạ trị. Những phương pháp điều trị này có thể ảnh hưởng đến tế bào máu, khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng, chảy máu và mệt mỏi hơn. Vì vậy, điều cần thiết là bảo đảm bệnh nhân được nhận đầy đủ dinh dưỡng. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân bị căng thẳng tâm lý và lo lắng. Điều này có thể làm tổn hại đến các chức năng thần kinh, miễn dịch và nội tiết, làm suy yếu thêm khả năng chống lại ung thư của cơ thể. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề sức khỏe tinh thần của bệnh nhân cũng rất cần thiết.

Bài viết tiếp theo của chúng tôi sẽ đi sâu vào quan điểm và phương pháp điều trị của Trung y (TCM) đối với các khối u và ung thư gan. Ngoài ra, chúng ta sẽ thảo luận về các chiến lược để chủ động cải thiện sức khỏe gan và ngăn ngừa sự khởi phát của ung thư gan.

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan (Jingduan Yang) có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm thần học tích hợp," "Các vấn đề về thuốc," và "Liệu pháp tích hợp cho bệnh ung thư." Đồng tác giả "Hướng về phương Đông: Bí quyết cổ xưa về sắc đẹp+sức khỏe cho thời hiện đại" của HarperCollins và "Châm cứu lâm sàng và Trung y" của Oxford Press. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York, kể từ tháng 7/2022.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn