Giấc ngủ sâu có thể làm giảm chứng mất trí nhớ Alzheimer ở ​​người lớn tuổi

Những người lớn tuổi đang phải vật lộn với chứng mất trí nhớ, suy giảm nhận thức và bệnh Alzheimer có thể tìm thấy hy vọng ở sức mạnh của giấc ngủ. Nghiên cứu gần đây cho thấy giấc ngủ sâu, giai đoạn non-REM (không chuyển động mắt nhanh), có thể giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer, một dạng sa sút trí tuệ rất phổ biến.

Những kết quả trên có thể là một tia hy vọng cho những người bị bệnh và gia đình của họ khi tìm cách ngăn chặn các triệu chứng và sống một cuộc sống trọn vẹn hơn.

Giấc ngủ sâu, được gọi là giấc ngủ sóng chậm không chuyển động mắt nhanh, đã được phát hiện là làm tăng khả năng phục hồi chống lại protein beta-amyloid trong não có liên quan đến chứng mất trí nhớ và các bệnh về não khác. Nghiên cứu trước đây đã phát hiện giấc ngủ bị gián đoạn có liên quan đến sự tích tụ protein beta-amyloid trong não. [Hiện tại,] một nghiên cứu mới của Đại học California–Berkeley cho thấy giấc ngủ sâu, sóng chậm với thời lượng đáng kể có thể giúp chống lại sự suy giảm trí nhớ ở những người bị bệnh Alzheimer do lắng đọng nhiều beta-amyloid.

Alzheimer là một căn bệnh tàn phá cơ thể, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Đây là dạng sa sút trí tuệ phổ biến và có tính tàn phá lớn nhất, gây ra sự phá hủy dần dần các con đường ghi nhớ của bộ não. Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ ngày càng khó thực hiện các công việc cơ bản hàng ngày mà nhiều người trong chúng ta xem là đương nhiên.

Thật không may, số người bị bệnh Alzheimer dự kiến ​​sẽ tăng lên khi thế hệ bùng nổ dân số già đi. Thống kê cho thấy cứ 9 người trên 65 tuổi thì có khoảng 1 người bị bệnh lý tiến triển này. Trước những số liệu thống kê nghiêm túc này, cần phải có thêm nghiên cứu và sự trợ giúp cho những người bị bệnh Alzheimer và gia đình họ.

Đối với nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu từ 62 người lớn tuổi không được chẩn đoán bị chứng mất trí nhớ. Tất cả những người tham gia ngủ trong phòng thí nghiệm và được theo dõi sóng giấc ngủ bằng máy ghi điện não đồ (EEG). Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) để đo lượng lắng đọng beta-amyloid trong não của những người tham gia. Một nửa số người tham gia có lượng amyloid lắng đọng cao, trong khi nửa còn lại thì không.

Sau khi thức dậy vào buổi sáng, tất cả những người tham gia được yêu cầu hoàn thành một nhiệm vụ ghi nhớ liên quan đến việc ghép tên với khuôn mặt.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có lượng beta-amyloid lắng đọng trong não cao và ngủ sâu hơn sẽ thực hiện bài kiểm tra trí nhớ tốt hơn so với những người có cùng lượng beta-amyloid nhưng không ngủ đủ giấc. Sự gia tăng này chỉ có ở những người có mảng bám amyloid.

Trong nhóm không có bệnh lý [tích tụ beta-amyloid], giấc ngủ sâu không có thêm bất kỳ tác dụng trợ giúp bổ sung nào đối với trí nhớ. Điều này có nghĩa là giấc ngủ sâu có thể giúp giảm bớt một số tác động bất lợi của bệnh lý beta-amyloid đối với trí nhớ.

Tiến sĩ Matthew Walker, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Hãy xem giấc ngủ sâu gần giống như một chiếc bè cứu sinh giúp trí nhớ trôi nổi trước sức nặng của bệnh lý Alzheimer. Giờ đây, có vẻ như giấc ngủ sâu không chuyển động mắt nhanh có thể là một mảnh ghép mới còn thiếu trong câu đố về duy trì nhận thức. Điều này đặc biệt thú vị vì chúng ta có thể làm gì đó với nó. Có nhiều cách chúng ta có thể cải thiện giấc ngủ, ngay cả ở người lớn tuổi.”

Bài viết trên được đăng lại từ BelmarraHealth.com.

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Sarah Cownley
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Sarah Cownley có bằng tốt nghiệp về liệu pháp dinh dưỡng từ Học viện Khoa học Sức khỏe ở London. Niềm yêu thích của cô là giúp đỡ những người khác bằng cách dạy họ thay đổi lối sống lành mạnh hơn thông qua các tham vấn cá nhân và những đóng góp thường xuyên của cô cho trang Doctors Health Press. Bài viết này được đăng lần đầu tiên tại Bel Marra Health.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn