Hướng dẫn cơ bản về ung thư đại trực tràng: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách tiếp cận tự nhiên

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ ba ở cả nam và nữ tại Hoa Kỳ. Trong khi tỷ lệ bị bệnh tổng thể dường như đang giảm thì tỷ lệ ở những người dưới 50 tuổi lại tăng từ 1 đến 2% mỗi năm kể từ giữa những năm 1990. Bên cạnh đó, ung thư đại trực tràng là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng hàng thứ hai khi cộng tổng số ca tử vong ở cả hai giới. Bài viết dưới đây giúp cung cấp những thông tin căn bản và hữu ích để quý độc giả có thể hiểu sơ bộ và biết cách phát hiện, phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Một phần khó khăn của việc chẩn đoán ung thư đại trực tràng là bệnh thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi lan rộng. Khi các triệu chứng xuất hiện, các xét nghiệm về đường tiêu hóa thường được tiến hành để loại trừ các biến chứng hoặc nguyên nhân khác.

Tin tốt là tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm của ung thư đại trực tràng là khoảng 91% đối với ung thư khu trú, nghĩa là ung thư được phát hiện sớm và chưa lan sang các khu vực khác. Nếu ung thư không bị phát hiện và lan tràn đến các khu vực khác của cơ thể, tỷ lệ sống sót sẽ giảm.

Các loại ung thư đại trực tràng phổ biến

Có một số loại ung thư đại trực tràng. Nhưng tất cả xảy ra do sự phát triển không kiểm soát của các tế bào trong mô đại – trực tràng, và có thể lan ra nơi khác trong cơ thể. Một số loại ung thư đại trực tràng có thể là do di truyền hoặc tiền sử gia đình.

  • Ung thư biểu mô tuyến: chiếm khoảng 95%, bắt nguồn từ các tế bào của đại – trực tràng, chịu trách nhiệm tiết ra các protein bôi trơn lòng đại- trực tràng. Có một số lớp của thành đại tràng, bao gồm lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc, chứa đầy các tế bào thuộc loại này.

Khoảng 5% còn lại bao gồm:

  • Khối u mô đệm đường tiêu hóa (GIST): Hơn một nửa u GIST bắt nguồn ở dạ dày, và hầu hết còn lại là ở ruột non, mặc dù chúng có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong đường tiêu hóa. Đây là một khối u hiếm gặp và chiếm khoảng 0.1% tổng số ca ung thư đại trực tràng, do sự phát triển không kiểm soát của các tế bào đặc thù hoạt động như tế bào thần kinh kích thích cơ ruột. U GIST hiếm khi sinh ra ở đại tràng, và một số là lành tính.
  • Khối u carcinoid: Đây là loại ung thư đại trực tràng hiếm gặp, thường hình thành ở niêm mạc đường tiêu hóa.
  • U lympho: Loại ung thư này bắt nguồn từ các hạch bạch huyết, tác động đến đại tràng và đường tiêu hóa. U lympho đại trực tràng hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 0.5% tổng số u lympho biểu hiện đường tiêu hóa.
  • Ung thư tế bào vảy: Loại ung thư này rất hiếm, chỉ chiếm 1% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Ung thư tế bào vảy thường phát hiện ở giai đoạn muộn hơn và có tiên lượng xấu.
  • Ung thư cơ trơn: Loại ung thư hiếm gặp này hình thành ở mô liên kết cơ trơn, bao gồm cả hậu môn.

Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng thường không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn sớm nên khó phát hiện.

Khi ung thư đại trực tràng tiến triển, các triệu chứng sau đây thường gặp:

  • Máu trong phân.
  • Chảy máu trực tràng (dai dẳng và thường kèm theo đau).
  • Thay đổi nhu động ruột (táo bón, tiêu chảy, thay đổi kích thước khuôn phân hoặc tần suất đại tiện).
  • Đau bụng (co thắt dạ dày).
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Thiếu máu.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.

Vì nhiều tình trạng bệnh lý có thể gây ra các triệu chứng này nên điều cần thiết là phải tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn bắt đầu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào để loại trừ các nguyên nhân khác.

Nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng

Nguyên nhân chính xác của ung thư đại trực tràng vẫn chưa được biết rõ, nhưng một số yếu tố được cho là có liên quan, bao gồm polyp.

Nhiều người có polyp, những đám nhỏ tế bào trong niêm mạc đại tràng. Hầu hết các polyp đều vô hại; tuy nhiên, một số có thể phát triển thành ung thư đại trực tràng. Chúng được gọi là polyp tân sinh. Polyp có thể phát triển do thay đổi biểu hiện gene hoặc cách ăn uống và lối sống. Vì polyp thường không có triệu chứng nên việc sàng lọc thường xuyên là rất quan trọng để phát hiện.

Cơ chế sinh bệnh ung thư đại trực tràng

Tương tự như tất cả các bệnh ung thư, ung thư đại trực tràng xảy ra khi các tế bào phân chia không kiểm soát. Các tế bào ở đại – trực tràng sẽ tiếp tục phân chia với tốc độ bất thường cho đến khi phát triển thành khối ung thư.

Hướng dẫn cơ bản về ung thư đại trực tràng: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách tiếp cận tự nhiên
Ung thư đại trực tràng xảy ra khi các tế bào ở đại – trực tràng phân chia không kiểm soát, cuối cùng phát triển thành khối u. (Ảnh: The Epoch Times)

Ai có nhiều khả năng bị ung thư đại trực tràng?

Cả yếu tố di truyền [không thể thay đổi] và các yếu tố có thể thay đổi đều đóng vai trò nhất định trong nguy cơ ung thư đại trực tràng. Mặc dù cần nghiên cứu sâu hơn để hiểu lý do tại sao những người có người thân thế hệ thứ nhất bị bệnh ung thư đại trực tràng lại có nguy cơ cao hơn, nhưng có một mối tương quan không thể phủ nhận, với nhân tố di truyền ước tính là khoảng 35%. Những bệnh ung thư mang tính chất gia đình này dường như phát triển mà không có nguyên nhân nào khác được biết đến. Việc sàng lọc được khuyến nghị sớm hơn đối với những người có người thân bị bệnh ung thư đại trực tràng.

Những người sau đây có nhiều nguy cơ bị ung thư đại trực tràng:

  • Hút thuốc.
  • Nghiện rượu nặng.
  • Người Mỹ da đỏ và người bản địa Alaska.
  • Người Do Thái Ashkenazi.
  • Người Mỹ gốc Phi.
  • Công nhân làm ca đêm.
  • Những người bị bệnh tiểu đường loại 2.
  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Ăn nhiều thịt chế biến.
  • Lối sống ít vận động.
  • Người trên 50 tuổi.
  • Tiền sử gia đình bị bệnh ung thư đại trực tràng.
  • Những người bị hội chứng Lynch, hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền phổ biến nhất. Những người bị bệnh này nên bắt đầu nội soi sàng lọc định kỳ từ năm 20 tuổi.
  • Những người bị bệnh đa polyp tuyến gia đình (FAP), một hội chứng đặc trưng bởi hàng trăm nghìn polyp lành tính. Do tỷ lệ phát triển ung thư đại trực tràng gần như 100% trước tuổi 50, những người có gene này nên bắt đầu nội soi sàng lọc ngay từ 10 đến 15 tuổi.
  • Bệnh nhân viêm ruột.
  • Những người bị hội chứng Peutz-Jeghers, liên quan đến polyp hamartoma (mô thừa dạng bướu), nên được sàng lọc bắt đầu ở tuổi thiếu niên.
  • Người bị bệnh polyp do đột biến MUTYH nên được bắt đầu sàng lọc ở độ tuổi từ 25 đến 30.
  • Những người bị hội chứng polyp thiếu niên (JPS), một tình trạng di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến khoảng 1/100,000 người và có thể dẫn đến ung thư đại trực tràng nếu sự tăng sinh polyp không được điều trị.

Các giai đoạn ung thư đại trực tràng

Việc phân giai đoạn ung thư đại trực tràng rất phức tạp nhưng thường chia các giai đoạn từ 0 đến 4. Các giai đoạn này bao gồm:

Giai đoạn 0

Ung thư đang ở giai đoạn sớm nhất và chưa lan qua lớp niêm mạc của đại tràng hoặc trực tràng.

Giai đoạn 1

Ung thư đã phát triển qua lớp niêm mạc tới lớp dưới niêm mạc nhưng chưa lan đến hệ thống bạch huyết hoặc các vị trí ở xa.

Giai đoạn 2

Giai đoạn 2 được chia làm 3 loại:

  • 2A: Ung thư đã xâm lấn đến lớp bên ngoài của đại tràng và/hoặc trực tràng nhưng chưa phát triển qua các lớp này.
  • 2B: Ung thư đã xâm lấn qua đại tràng và/hoặc thành trực tràng nhưng chưa lan sang các mô khác hoặc hệ bạch huyết.
  • 2C: Ung thư đã xâm lấn các mô lân cận.

Giai đoạn 3

Giai đoạn 3 được chia thành ba loại:

  • 3A: Ung thư đã xâm lấn đến các lớp cơ và các hạch bạch huyết gần đó.
  • 3B: Ung thư đã xâm lấn các lớp ngoài cùng và di căn đến ba hạch bạch huyết hoặc chưa xâm lấn qua các lớp ngoài cùng nhưng đã di căn bốn hạch bạch huyết trở lên. Và chưa di căn xa.
  • 3C: Ung thư đã xâm lấn ra ngoài các lớp cơ và di căn các hạch bạch huyết nhưng chưa di căn xa.

Giai đoạn 4

Giai đoạn 4 được chia thành ba loại:

  • 4A: Ung thư đã di căn đến một cơ quan hoặc các hạch bạch huyết ở xa. Khối u có thể hoặc không xâm lấn qua thành đại trực tràng và có thể có hoặc không ở các hạch khu vực.
  • 4B: Ung thư đã di căn nhiều cơ quan hoặc khu vực, có thể bao gồm cả hạch bạch huyết ở xa.
  • 4C: Ung thư đã di căn xa ngoài ổ bụng.

Chẩn đoán ung thư đại trực tràng

Nên kiểm tra thường xuyên từ sớm hơn đối với những người có nguy cơ di truyền bệnh ung thư đại trực tràng. Các xét nghiệm sàng lọc ung thư đại trực tràng thường bao gồm nội soi đại tràng, các xét nghiệm khác có thể là xét nghiệm phân, nội soi đại tràng sigma và nội soi viên nang.

Nếu bạn đang gặp các triệu chứng hoặc xét nghiệm sàng lọc phát hiện thấy những bất thường, có thể cần tiến hành các xét nghiệm tiếp theo để chẩn đoán xác định hoặc phân biệt.

Những xét nghiệm này bao gồm:

  • Khám thực thể: Bác sĩ sẽ ấn hoặc sờ nắn vùng bụng để tìm khối bất thường và có thể thăm trực tràng để cảm nhận khu vực bất thường và kiểm tra xem có máu trong phân hay không.
  • Xét nghiệm máu: Công thức máu toàn phần có thể giúp đánh giá có bị thiếu máu, tăng men gan hay các dấu ấn khối u nhất định như kháng nguyên carcinoembryonic (CEA) hay không.
  • Nội soi đại tràng: Toàn bộ đại tràng và trực tràng được kiểm tra bằng một máy quay video nhỏ gắn vào ống sợi quang.
  • Nội soi trực tràng: Kiểm tra lòng trực tràng bằng một camera nhỏ.
  • Sinh thiết: Lấy một mảnh mô nhỏ trong quá trình nội soi để phân tích các tế bào ung thư.
  • Chẩn đoán hình ảnh: bao gồm chụp X-quang, chụp cắt lớp điện toán (CT), siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được thực hiện để xem xét các khu vực nghi ngờ trong cơ thể hoặc đánh giá hiệu quả điều trị.

Nếu đã chẩn đoán xác định ung thư đại trực tràng, bác sĩ sẽ đánh giá giai đoạn ung thư từ đó đưa ra phương án điều trị hiệu quả nhất.

Biến chứng của ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng có thể phát triển một số biến chứng, trong đó các khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất là hệ tiêu hóa và các dây thần kinh kèm theo.

Một số biến chứng cấp tính phổ biến nhất bao gồm:

  • Chảy máu: Chảy máu trong có thể là một biến chứng phổ biến của ung thư đại trực tràng, thường biểu hiện và được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu cho thấy thiếu máu do thiếu sắt. Cũng có thể có máu trong phân do chảy máu đại tràng.
  • Tắc ruột: Tắc ruột thường có thể xảy ra như một biến chứng của ung thư đại trực tràng. Triệu chứng bao gồm đau bụng dữ dội kèm theo nôn mửa, ứ đọng dịch ruột dẫn đến mất nước và điện giải. Ngoài ra, nhiễm trùng có thể xảy ra do tắc nghẽn, vi khuẩn và độc tố có thể tích tụ do không được đào thải.
  • Thủng ruột: Đây là một biến chứng do tắc nghẽn, hiếm gặp trong ung thư đại trực tràng. Điều này được thấy khi một khối u phát triển, tắc nghẽn và xâm lấn qua thành ruột, cần phải phẫu thuật cấp cứu.
  • Vàng da: Vàng da là tình trạng có thể xuất hiện do sự tích tụ bilirubin trong cơ thể. Khi lan đến các ống mật của gan, khối u sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa bilirubin, gây vàng da.

Các phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng

Các phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng sẽ khác nhau tùy theo mức độ tiến triển của bệnh, vị trí khối u và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Các phương pháp điều trị tiêu chuẩn bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc chăm sóc giảm nhẹ. Sau đây là một số phương pháp điều trị:

  • Phẫu thuật: Phẫu thuật cần phải loại bỏ ung thư khỏi đại tràng và/hoặc trực tràng. Việc cắt bỏ đại tràng có thể cần thiết trong một số trường hợp để loại bỏ toàn bộ khối ung thư. Nếu cần cắt phần lớn đại tràng, người bệnh có thể cần đến hậu môn nhân tạo. Sau phẫu thuật, thông thường cần phải hóa trị hoặc xạ trị để bảo đảm loại bỏ tất cả ung thư.
  • Hóa trị: Hóa trị liên quan đến loại thuốc tiêu diệt tế bào ung thư, bao gồm thuốc chích hoặc uống. Có thể dùng thuốc độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác.
  • Xạ trị: Xạ trị sử dụng tia X để tiêu diệt tế bào ung thư. Có thể tiến hành xạ trị trong thông qua cấy các ống kín chứa chất phóng xạ hoặc gần khối u như một lựa chọn giảm nhẹ để giúp giảm đau và khó chịu.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Các liệu pháp nhắm trúng đích bao gồm các phương pháp điều trị tấn công các tế bào ung thư nhất định và có thể không gây hại nhiều cho các tế bào khỏe mạnh xung quanh. Một loại liệu pháp nhắm trúng đích được sử dụng cho bệnh ung thư đại trực tràng là kháng thể đơn dòng, protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm gắn vào tế bào ung thư để ức chế sự phát triển của chúng. Phương pháp điều trị này thường được thực hiện qua đường chích tĩnh mạch và có thể đi kèm với các phương pháp điều trị khác.
  • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp này giúp củng cố hệ miễn dịch của bệnh nhân bằng cách ngăn chặn các protein có thể can thiệp vào các tế bào T chống lại các tế bào ung thư.

Ảnh hưởng của tâm trí đến ung thư đại trực tràng

Nghiên cứu này chưa thống nhất về mức độ lạc quan hoặc thái độ tích cực ảnh hưởng đến kết quả ung thư và chất lượng cuộc sống. Trong khi một số nghiên cứu cho thấy rằng việc giữ quan điểm tích cực khi được chẩn đoán ung thư giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư, thì vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận mối tương quan trực tiếp.

Như đã nêu trước đó, tỷ lệ bị ung thư đại trực tràng khởi phát sớm hơn ở những người dưới 50 tuổi đang gia tăng. Như vậy, yếu tố tinh thần khi bị ung thư ở độ tuổi trẻ hơn rõ ràng có thể gây tổn thương cho người bệnh.

Nghiên cứu cho thấy rằng cảm xúc đau khổ đối với những bệnh nhân ung thư đại trực tràng trẻ tuổi là một trong những loại suy giảm tâm lý xã hội phổ biến và đáng kể nhất. Ngoài ra, tác động xã hội và cách chẩn đoán ảnh hưởng đến gia đình hoặc các mối quan hệ xã hội cũng rất đáng kể và gây ra căng thẳng về mặt cảm xúc. Bởi vì việc chiến đấu với chẩn đoán ung thư đi kèm với những hậu quả về thể chất, người bệnh cũng có những thay đổi về mặt tình dục và khả năng tiếp tục làm việc. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng sức khỏe tâm thần của họ.

Ngoài ra, một số hậu quả đặc trưng của ung thư đại trực tràng như đặt túi hậu môn nhân tạo, có thể làm gia tăng cảm xúc đau khổ của người bệnh so với các bệnh ung thư khác. Đặc biệt đối với những người trẻ tuổi, một chiếc túi vật lý bên ngoài cơ thể có thể gây bối rối hoặc cản trở tình dục, làm tăng mức độ đau khổ.

Đối với mọi lứa tuổi, vì việc chẩn đoán ung thư là một thách thức lớn nên cần phải có sự chăm sóc đối với những người bệnh ung thư trong và sau khi được chẩn đoán hoặc điều trị. Nghiên cứu cho thấy rằng đối với những người sống sót, nhiều mối lo ngại ngoài việc điều trị tiếp tục gây ra những tác động đáng kể, bao gồm:

  • Căng thẳng do ung thư sẽ tiếp tục diễn ra trong bao lâu.
  • Việc trở lại làm việc như thế nào.
  • Liệu các thành viên trong gia đình họ có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng không.
  • Lối sống, mức độ hoạt động, v.v. có thể cần phải thay đổi như thế nào.
  • Đời sống tình dục có thể bị ảnh hưởng như thế nào.
  • Lo lắng bệnh sẽ tái phát.

Do chẩn đoán ung thư đại trực tràng có thể làm thay đổi cuộc sống và gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, nên việc tuyển dụng đội ngũ bác sĩ chăm sóc y tế có trình độ phù hợp, bao gồm bác sĩ và nhà trị liệu, là điều cần thiết. Xem xét các nhóm trợ giúp và các cách để kết bạn với những người có trải nghiệm tương đồng cũng có thể là một giải pháp giúp bệnh nhân tự tin và kiểm soát cuộc sống tốt hơn.

Các phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với ung thư đại trực tràng

Hiện đang thiếu các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng nhằm kiểm tra mối quan hệ giữa các phương pháp điều trị tự nhiên đối với ung thư đại trực tràng và việc loại bỏ ung thư thành công. Một số công thức thuốc phổ biến ở Á Châu và chất bổ sung như curcumin, dầu cá, acid folic, coenzyme Q10 và sữa ong chúa cho thấy nhiều hứa hẹn khi kết hợp với hóa trị và các loại thuốc chống ung thư khác. Tuy nhiên, vẫn cần có những nghiên cứu sâu hơn để xác nhận phương pháp điều trị tự nhiên nào có tác dụng đáng kể nhất đối với quá trình tự diệt của ung thư.

Thực phẩm chứa alkaloid hoặc các hợp chất từ một số thực phẩm thực vật có tác dụng ức chế khối u bằng cách ức chế các yếu tố tăng trưởng của tế bào ung thư. Những thực phẩm này bao gồm:

  • Hạt cà phê.
  • Hạt cacao.
  • Lá trà.
  • Khoai tây.

Nghiên cứu cũng kiểm tra các hợp chất chứa nhiều polyphenol như resveratrol (trong nho đỏ), curcumin (trong nghệ) và berberine, phát hiện ra rằng bản chất chống viêm của các hợp chất này có thể trợ giúp tiêu diệt tế bào ung thư.

Các chất phytochemical có nguồn gốc từ thực vật khác được chứng minh là hữu ích trong việc chống lại bệnh ung thư đại trực tràng. Các loại thực phẩm chứa các chất phytochemical hữu ích nhất bao gồm:

  • Trái nho.
  • Đậu nành.
  • Trà xanh.
  • Tỏi.
  • Quả ô liu.
  • Lựu.

Những loại cây này có nhiều chất phytochemical như flavonoid và polyphenol được biết là có tác dụng ức chế sự phát triển của ung thư. Nhìn chung không có tác hại gì khi bổ sung nhiều loại thực vật và thảo mộc này vào khẩu phần ăn. Vì vậy đây có thể là sự bổ sung hữu ích cho bất kỳ phương pháp điều trị đại trực tràng nào. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Cách phòng ngừa ung thư đại trực tràng

Mặc dù không có cách nào bảo đảm loại bỏ hoàn toàn nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng nhưng bạn có thể thực hiện một số bước để giảm nguy cơ.

Một số cách tốt nhất để giảm nguy cơ liên quan đến cách ăn uống và lối sống bao gồm:

Sàng lọc

Nếu bạn có nguy cơ di truyền bệnh ung thư đại trực tràng, khám sàng lọc thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để chủ động chống lại sự phát triển của ung thư. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị nên bắt đầu sàng lọc bao gồm nội soi ở tuổi 45 khi có nguy cơ trung bình.

Ăn nhiều chất xơ

Tăng lượng tiêu thụ sản phẩm tươi và thực phẩm nhiều chất xơ giúp tối ưu hóa sức khỏe tổng thể của hệ tiêu hóa từ đó ngăn ngừa ung thư đại trực tràng. Tăng lượng chất xơ thông qua các thực phẩm chống viêm như ngũ cốc nguyên hạt và sản phẩm tươi sống sẽ giúp tạo ra hệ vi sinh vật đường ruột tối ưu hơn. Một số loại thực phẩm chống viêm tối ưu như dầu cá chứa omega-3, các loại hạt, dầu ô liu và dầu bơ.

Giảm lượng thịt chế biến sẵn cũng có thể hữu ích vì điều này giúp giảm viêm tổng thể. Một số bằng chứng cho thấy một số loại thịt đỏ có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, nhưng cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ hơn về mối tương quan này. Việc cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột và điều hòa tiêu hóa bằng thực phẩm nhiều chất xơ, chống viêm có thể giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng do làm giảm vi khuẩn gây viêm trong ruột, tối ưu hóa cân bằng nội môi tổng thể của ruột và đại – trực tràng. Tham khảo ý kiến của bác sĩ chăm sóc y tế có trình độ như chuyên gia dinh dưỡng để biết thêm thông tin phù hợp với từng người.

Nhận đủ vitamin D

Nghiên cứu đầy hứa hẹn cho thấy mối tương quan giữa việc có đủ vitamin D và phòng ngừa ung thư đại trực tràng, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Thiếu vitamin D có liên quan đến việc tăng tỷ lệ polyp đại tràng và tăng sinh ung thư, do đó, việc tránh thiếu hụt vitamin D thông qua cách ăn uống và bổ sung có thể hữu ích. Việc bổ sung các thực phẩm nhiều vitamin D, chẳng hạn như dầu cá và các sản phẩm từ sữa, rất hữu ích cho những người muốn tối ưu hóa cố gắng phòng ngừa ung thư.

Và bạn nên được bác sĩ đánh giá nồng độ vitamin D trong máu [trước khi bổ sung].

Nhận đủ calcium

Nghiên cứu cho thấy rằng lượng calcium đầy đủ có mối tương quan tích cực với kết quả chống ung thư đại trực tràng. Ăn đủ calcium giúp giảm viêm ở thành đại tràng và trợ giúp giảm kích ứng do acid mật. Việc bổ sung các thực phẩm nhiều calcium như các sản phẩm từ sữa, đậu phụ và rau xanh có thể hữu ích cho những người muốn tăng cơ hội chống lại ung thư.

Tập thể dục đều đặn

Tập thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng và nâng cao sức khỏe tổng thể. Nếu bạn đang vật lộn với cân nặng của mình, việc ăn uống và thực hành lối sống tốt hơn vừa có tác dụng giảm cân vừa có tác dụng bảo vệ.

Hạn chế độc tố

Tránh hút thuốc và hạn chế uống rượu có tác dụng bảo vệ ung thư. Để biết thêm thông tin và được hướng dẫn cụ thể, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ.

Bài viết được xem xét về mặt y tế bởi Tiến sĩ Beverly Timeding.

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.

Jordan Stachel
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Jordan Stachel là chuyên gia dinh dưỡng có chứng chỉ hành nghề ở cơ sở phòng khám tư nhân, nơi cô giúp khách hàng qua việc cung cấp thông tin dinh dưỡng dựa trên bằng chứng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn