Liệu bạn có quá tuổi nội soi đại trực tràng?
Kết quả từ một nghiên cứu cắt ngang gần đây cho thấy nội soi đại trực tràng tầm soát bệnh có thể mang đến nhiều nguy cơ hơn đối với người từ 70 tuổi trở lên.
Liệu có quá già để nội soi đại trực tràng?
Có lẽ vậy, theo kết quả từ một nghiên cứu cắt ngang được tiến hành tại Kaiser Permanente Northern California ở Oakland, California. Nghiên cứu được công bố vào ngày 02/04 trên JAMA Network Open.
Kết quả cho thấy nội soi hiếm khi phát hiện ung thư đại trực tràng ở người lớn tuổi, ngay cả khi họ có tiền sử khối u/polyp lành tính gọi là u tuyến. U tuyến thường bắt đầu ở các mô bao phủ các cơ quan và tuyến. Những polyp hay khối u hình nấm này có thể phát triển trong đại tràng và mặc dù không phải là ung thư nhưng các chuyên gia thường coi đây là tiền ung thư.
U tuyến được phát hiện trong 40% số ca nội soi đại trực tràng tầm soát ở Hoa Kỳ. Nếu phát hiện khối u trong quá trình nội soi, các bác sĩ thường khuyên nên cắt bỏ. Sau khi cắt bỏ, các hướng dẫn hiện hành khuyến cáo bệnh nhân nên tiến hành nội soi để tầm soát trong tương lai. Tuy nhiên, các hướng dẫn không cung cấp nhiều chỉ dẫn, như thời gian một người phải tầm soát trong bao lâu.
“Với dân số lớn tuổi ngày càng tăng ở Hoa Kỳ và gần 5.6 triệu người già trên 75 tuổi sẽ được tầm soát hàng năm vào năm 2024, việc ước tính hiệu quả của nội soi tầm soát là rất quan trọng, để hiểu được sự cân bằng giữa lợi ích tiềm năng và rủi ro đã biết của nội soi đại trực tràng khi tuổi ngày càng cao,” các nhà nghiên cứu viết.
Những nguy cơ đã biết của nội soi đại trực tràng bao gồm chảy máu, thủng đại tràng, tác dụng liên quan đến thuốc mê, nhiễm trùng, đau tim, đau bụng dữ dội và đột quỵ. Chảy máu, xảy ra ở 15 trên 10,000 ca thủ thuật, và thủng là những biến chứng phổ biến nhất. Theo Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia, hầu hết các trường hợp chảy máu và thủng xảy ra ở người lớn tuổi hoặc những người đã cắt bỏ u tuyến hay các polyp khác.
Dưới 1% số ca nội soi đại trực tràng ở người lớn tuổi phát hiện được ung thư
Trong nghiên cứu cắt ngang trên 9,601 bệnh nhân trong độ tuổi từ 70 đến 85 có tiền sử u tuyến, chỉ có 0.3% ca tầm soát nội soi phát hiện ung thư. Khoảng 12% phát hiện u tuyến tiến triển và u tân sinh tiến triển (phát triển bất thường). Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng kết quả không khác biệt đáng kể theo độ tuổi.
Bệnh nhân có tiền sử u tuyến tiến triển có nhiều khả năng bị ung thư đại trực tràng được phát hiện qua tầm soát hơn so với bệnh nhân có u tuyến không tiến triển. Ngoài ra, những bệnh nhân mắc u tuyến tiến triển cũng có nhiều khả năng mắc u tân sinh tiến triển, tức là u có tăng trưởng đường kính trên 10mm.
Các yếu tố khác liên quan đến u tân sinh tiến triển là chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30 và có tiền sử hút thuốc lá. Những người gốc Á hoặc Thái Bình Dương ít có nguy cơ bị u tân sinh tiến triển hơn.
Những phát hiện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc cá nhân hoá
Nhóm nghiên cứu cho rằng những phát hiện của họ có thể cung cấp thông tin cho các bệnh nhân lớn tuổi và bác sĩ lâm sàng khi cá nhân hóa việc chăm sóc, vì nội soi tầm soát có thể gây hại nhiều hơn là có lợi đối với nhóm tuổi nhất định.
Họ viết, “Tỷ lệ phát hiện [ung thư đại trực tràng] thấp khi tầm soát có thể không biện minh được cho những tác hại tiềm ẩn và gánh nặng của nội soi có thể tăng theo tuổi tác.”
Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu lưu ý rằng nội soi có thể tiếp tục cứu mạng những người có tiền sử u tuyến.
“Đối với một số người lớn tuổi có tuổi thọ dự đoán từ 10 năm trở lên và không có bệnh đi kèm đáng kể, đặc biệt đối với những người có u tuyến tiến triển trước đó, việc phát hiện [ung thư đại trực tràng] giai đoạn đầu hoặc u tuyến tiến triển trong khi tầm soát có thể dẫn đến điều trị sớm hơn và cải thiện được kết cục,” nhóm nghiên cứu viết.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times