Thuốc trị tiểu đường loại 2 có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bị đa xơ cứng và cách cải thiện

Bạn có biết rằng thuốc trị tiểu đường loại 2 có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh đa xơ cứng không?

Bệnh tiểu đường có thể gây hại cho não

Bệnh đa xơ cứng là một bệnh thần kinh tự miễn ảnh hưởng đến não, tủy sống và dây thần kinh thị giác, đồng thời dẫn đến suy giảm trầm trọng về thể chất và nhận thức. Các nhà khoa học không biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh đa xơ cứng; tuy nhiên, người ta biết rằng có một số yếu tố khiến hệ thống thần kinh tấn công thần kinh trung ương.Bệnh tiểu đường có thể gây hại cho não theo nhiều cách khác nhau. Căn bệnh này liên quan đến sự phát triển của các bệnh thoái hóa thần kinh khác như chứng mất trí nhớ. Mức đường máu cao liên quan đến chứng viêm, có thể gây hại cho các tế bào não. Bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh tim và đột quỵ, gây tổn thương tim và mạch máu, bao gồm cả mạch máu não, và có thể gây suy giảm nhận thức. Ngoài ra, lượng insulin tăng lên do kháng insulin có thể làm mất cân bằng các chất hóa học khác trong não.

Nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa tiền sử bệnh tiểu đường type 1 và type 2 với chẩn đoán bị bệnh đa xơ cứng mới. Một nghiên cứu được thực hiện ở Đài Loan cho thấy những bệnh nhân bị tiểu đường loại 2 có nhiều khả năng phát triển bệnh đa xơ cứng hơn những người không bị bệnh tiểu đường.

Thuốc điều trị tiểu đường giảm nguy cơ mất trí nhớ, nhưng đa xơ cứng thì khác

Nếu đúng như vậy, thuốc trị tiểu đường có làm giảm nguy cơ bị chứng mất trí nhớ và đa xơ cứng không?

Câu trả lời là khá phức tạp.Các nhà nghiên cứu của Đại học Arizona trước đây đã điều tra vai trò của thuốc chống tăng đường huyết (thuốc trị tiểu đường) và nguy cơ mất trí nhớ.

Tiến sĩ Kathleen Rodgers, Giáo sư Đại học Arizona, đồng thời là đồng tác giả của nghiên cứu nói với The Epoch Times rằng bệnh tiểu đường là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng mất trí nhớ. Nghiên cứu của cô cho thấy thuốc chống tăng đường huyết cho người từ 45 tuổi trở lên có tác dụng chống lại bệnh Alzheimer và các bệnh thoái hóa thần kinh khác ở những người bị bệnh tiểu đường loại 2 – ngoại trừ bệnh đa xơ cứng.Tiến sĩ Rogers giải thích: “đa xơ cứng là một sự khác biệt nổi bật.”

Phát hiện này đã khiến các nhà nghiên cứu xem xét riêng về tác dụng của thuốc chống tăng đường huyết và nguy cơ bị bệnh đa xơ cứng.

Tuổi 45 là bước ngoặt

Một nghiên cứu mới được công bố vào tháng 10/2022 tập trung vào các loại thuốc chống tăng đường huyết và mối liên quan với nguy cơ bị bệnh đa xơ cứng. Nghiên cứu cho thấy những người – đặc biệt là phụ nữ – dùng thuốc chống tăng đường huyết để điều trị tiểu đường loại 2 huyết sau 45 tuổi có nguy cơ bị bệnh đa xơ cứng cao hơn.

Thật thú vị, những người dưới 45 tuổi và được điều trị bằng thuốc chống tăng đường huyết cho thấy giảm nguy cơ bị bệnh đa xơ cứng.

Bệnh nhân dưới 45 tuổi được điều trị bằng thuốc tăng đường huyết đã giảm 78% nguy cơ phát triển đa xơ cứng trong thời gian theo dõi trung bình là 6.2 năm. Những người chỉ dùng sulfonylurea hoặc với metformin đã giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh đa xơ cứng. Kết quả tương tự cũng được quan sát thấy ở các nhóm thuốc chống tăng đường huyết khác.

Bệnh nhân trên 45 tuổi có nguy cơ bị bệnh đa xơ cứng tăng 36%, và phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Điều này đúng với tất cả các loại thuốc. Những bệnh nhân đang dùng insulin thậm chí còn có nhiều khả năng bị bệnh đa xơ cứng hơn. Có thể là bệnh nhân tiểu đường phụ thuộc insulin lớn tuổi có nguy cơ phát triển đa xơ cứng cao hơn do các yếu tố khác, bao gồm bệnh nặng hơn, kiểm soát glucose kém hơn (dẫn đến tình trạng viêm gia tăng) hoặc tình trạng kinh tế xã hội thấp hơn.

Vì sao phụ nữ có nguy cơ bị đa xơ cứng cao hơn

Theo Hiệp hội Đa xơ cứng Quốc gia, phụ nữ có nguy cơ bị bệnh đa xơ cứng cao gấp ba lần so với nam giới.

Tệ hơn nữa, khả năng phát triển đa xơ cứng dường như đang gia tăng trong những thập niên gần đây, đặc biệt là đối với phụ nữ, và phụ nữ trên 50 tuổi. Một nghiên cứu được thực hiện ở Đan Mạch cho thấy đa xơ cứng ở phụ nữ đã tăng gấp đôi trong khi nam giới chỉ tăng nhẹ các trường hợp trong cùng một khoảng thời gian.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng phụ nữ có hệ miễn dịch tích cực hơn và nguy cơ bị bệnh tự miễn cao hơn.

Khi phụ nữ già đi và bước vào thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, có vẻ như sự sụt giảm estrogen tương quan với sự gia tăng tình trạng viêm trong cơ thể. Bệnh nhân tiểu đường nữ thường trải qua các triệu chứng trầm trọng hơn trong thời kỳ mãn kinh, vì những thay đổi về hormone khiến việc kiểm soát mức đường máu trở nên khó khăn hơn. Điều này cũng có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, bao gồm cả não. Bệnh tiểu đường và đa xơ cứng đều liên quan đến chứng viêm.

Tiến sĩ Rodgers giải thích “nhưng không chỉ là hệ nội tiết tố. Một trong những giả thuyết là rối loạn nhiều hệ thống trong thời kỳ mãn kinh.”

Thuốc trị tiểu đường có phải là thủ phạm chính?

Nghiên cứu này khiến các nhà nghiên cứu suy luận rằng giới tính và tuổi tác ảnh hưởng đến nguy cơ bị bệnh đa xơ cứng nhiều hơn so với nhóm thuốc chống tăng đường huyết.

Điều này một phần là do loại đa xơ cứng và tần suất thường được chẩn đoán ở hai nhóm tuổi khác nhau.

Loại đa xơ cứng thường ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi là đa xơ cứng tái phát, chiếm khoảng 85% các trường hợp. Bệnh đa xơ cứng khởi phát muộn gặp ở người lớn tuổi thường là một loại khác, được gọi là đa xơ cứng tiến triển nguyên phát.Theo tiến sĩ Rodgers, các cơ chế gây đa xơ cứng khởi phát muộn vẫn bị “hiểu sai” nhưng có thể giải thích vì sao thuốc chống tăng đường huyết type 2 lại làm tăng nguy cơ bị đa xơ cứng ở người lớn tuổi.

Thật không may, họ không thể đánh giá loại đa xơ cứng với bộ dữ liệu này. Tiến sĩ Rodgers cho biết: Mặc dù nghiên cứu đã tính đến nhiều yếu tố rủi ro của đa xơ cứng ngoài việc tiếp xúc với thuốc, nhưng “có những yếu tố không thể giải quyết được bằng cơ sở dữ liệu này.”

Tiến sĩ Rodgers thừa nhận rằng nghiên cứu của họ “chỉ có thể đưa ra giả thuyết” về lý do dẫn đến các quan sát trong nghiên cứu.

Điều này có nghĩa là người lớn tuổi nên xem xét lại việc dùng thuốc hạ đường huyết? Hay những người trẻ tuổi bị bệnh tiểu đường nên dùng những loại thuốc này? Câu trả lời không rõ ràng.

Tiến sĩ Rodgers gợi ý rằng bệnh nhân nên nói tiền sử gia đình hoặc yếu tố nguy cơ di truyền với bác sĩ nếu họ bị bệnh tiểu đường. Mặt khác, bà nói rằng đa xơ cứng không đủ phổ biến để bệnh nhân nên dùng những loại thuốc có thể gây ra hậu quả nếu không cần thiết.

Theo tiến sĩ Rodgers, điều quan trọng nhất đối với sức khỏe tổng thể là kiểm soát bệnh tiểu đường.

Bà nói: “Điều trị bằng thuốc sẽ tốt hơn [là không] nếu bạn không thể kiểm soát [bệnh tiểu đường] bằng cách ăn kiêng và tập thể dục.”

Ăn kiêng và tập thể dục là tốt nhất

Nhiều trường hợp bị bệnh tiểu đường loại 2 thường có thể được kiểm soát bằng cách ăn kiêng và tập thể dục. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo – chẳng hạn như trái cây, rau củ và ngũ cốc – có thể giúp kiểm soát mức đường máu. Điều này là do thực phẩm nhiều chất xơ có chỉ số đường huyết thấp, giúp ngăn ngừa insulin tăng đột biến và ổn định mức đường máu.

Tập thể dục vừa quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, vừa giúp kiểm soát mức đường máu. Hoạt động thể chất làm tiêu hao đường trong máu, do đó làm giảm mức đường máu. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, mọi người nên tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần. Tập thể dục cường độ vừa phải bao gồm các hoạt động như bơi lội, đi bộ, đi xe đạp, và các hoạt động hàng ngày khác như làm việc nhà hoặc làm vườn.

Ăn kiêng và tập thể dục có thể giúp giảm cân. Điều này cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng sản xuất insulin và giảm kháng insulin. Điều này giúp một số người cắt giảm lượng thuốc chống tăng đường huyết hoặc thậm chí đảo ngược bệnh tiểu đường loại 2.

Tiến sĩ Rodgers nói rằng mức đường máu thường ổn định hơn nhờ ăn kiêng và tập thể dục. Nguyên nhân là do bệnh nhân điều trị bằng thuốc có nhiều biến động về đường huyết, đặc biệt là khi dùng insulin.

Bà giải thích: “Sự thay đổi glucose cùng với sự thay đổi nội tiết tố có thể khiến hệ miễn dịch tăng nguy cơ bị bệnh tự miễn dịch này.”

Tiến sĩ Rodgers cho biết, điều trị bệnh tiểu đường bằng thuốc sẽ tốt hơn nếu không thể kiểm soát bằng ăn kiêng và tập thể dục. “Kiểm soát tình trạng tăng đường huyết sẽ giúp làm giảm tình trạng viêm.”Ngoài ra, không phải mọi trường hợp bị bệnh tiểu đường loại 2 đều có thể được kiểm soát bằng ăn kiêng, tập thể dục và giảm cân.

Mặc dù vậy, “Tôi nghĩ rằng việc cố gắng duy trì mức đường máu và HbAIc thông qua cách ăn kiêng và tập thể dục luôn tốt cho sức khỏe hơn,” bà Rodgers nói, “Bạn sẽ nhận được những lợi ích bất kể yếu tố nguy cơ bị bệnh đa xơ cứng là gì.”

Kim Khuê biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Heather Lightner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Heather Lightner là một tác giả viết về lĩnh vực y khoa của The Epoch Times. Cô là một y tá đã đăng ký và quản lý trường hợp được chứng nhận bởi hội đồng quản trị.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn