3 cách căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe và 3 lời khuyên về lối sống hữu ích

Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng, việc hiểu về những tác động của căng thẳng đến sức khỏe và các giải pháp khắc phục là điều quan trọng.

Có bao giờ bạn nhận thấy rằng mình có thể đi mãi cho đến khi không thể?

Có bao giờ bạn cảm thấy kiệt sức?

Trong cuộc sống, bạn có phải là người làm mọi thứ cho tất cả những người khác?

Bạn có cảm thấy cạn kiệt năng lượng và tài sản khi sống một cuộc đời quá bận rộn?

Tôi nghĩ rằng, tất cả chúng ta đều từng có thời điểm trải qua ít nhất một lần những điều này trong đời.

Căng thẳng có rất nhiều khía cạnh. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, cảm xúc và năng lượng của chúng ta. Một số thậm chí nói rằng căng thẳng có thể ảnh hưởng đến tâm trí. Thời nay, căng thẳng dường như đang ngày càng gia tăng và xuất hiện phổ biến hơn ở một số người trong vài năm nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căng thẳng. Dù ngắn hạn hay dài hạn, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe theo nhiều cách khác nhau.

Dưới đây là ba cách mà căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Giấc ngủ và căng thẳng

Giấc ngủ là một trong những khía cạnh có thể bị ảnh hưởng bởi căng thẳng. Một giấc ngủ ngon là cần thiết để duy trì trạng thái sức khỏe tối ưu. Một số người có thể hoạt động hiệu quả dù ngủ ít hơn những người khác, nhưng giấc ngủ vẫn là nhu cầu cơ bản để thực hiện mọi việc hiệu quả.

Một trong những điều mà căng thẳng gây ra cho cơ thể là làm tăng tiêu hao dưỡng chất nhanh hơn so với bình thường.

Thời nay, chúng ta không còn phải chạy trốn khỏi một kẻ săn mồi — nhưng căng thẳng vẫn được tiếp nhận và kích hoạt trong cơ thể dù có xuất hiện mối đe dọa thể chất hay không. Tâm trí chứa đựng một sức mạnh to lớn. Xem phim có thể tạo ra căng thẳng tương tự như khi thuyết trình hoặc luyện tập với cường độ cao.

Chúng ta cần nghỉ ngơi và phục hồi sau căng thẳng, và nếu cơ thể hoặc tâm trí không cho phép điều đó, chúng ta sẽ càng trở nên căng thẳng. Và như vậy, vòng xoắn căng thẳng sẽ bắt đầu tiếp diễn. Bạn sẽ nằm thao thức trên giường và ước rằng mình có thể chìm vào giấc ngủ.

Tâm trạng và căng thẳng

Căng thẳng cũng ảnh hưởng đến tâm trạng, khiến chúng ta trở nên thiếu kiên nhẫn, kích động hoặc khổ sở. Căng thẳng có thể làm tâm trí rời khỏi khoảnh khắc hiện tại và rơi vào những suy ngẫm về quá khứ hoặc tương lai.

Nhiều người tin rằng sống trong quá khứ là một dạng của trầm cảm, và sống trong tương lai là một dạng của lo âu. Món quà của hiện tại là sự bình yên. Bạn đã bao giờ nghĩ theo cách đó chưa?

Căng thẳng có thường xuyên tác động đến tâm trạng của bạn? Liệu đó là căng thẳng do một biến cố nào đó, hay là một dạng căng thẳng kinh niên, như cơn đau, căng thẳng do môi trường làm việc và các mối quan hệ?

Bắt đầu nhận thức nguyên nhân gây ra căng thẳng có thể là bước đầu tiên giúp tìm ra phương pháp tốt nhất để trợ giúp bản thân trong những tình huống đó.

Đường máu và căng thẳng

Căng thẳng cũng có thể khiến đường máu không ổn định.

Khi chịu căng thẳng, một số người sẽ ăn nhiều hơn so với nhu cầu cơ thể. Những người khác có thể nhịn ăn, làm giảm cung cấp các chất cần thiết để đối phó với căng thẳng. Mọi người cũng có thể ăn nhiều đường và uống nhiều rượu hơn khi bị căng thẳng, góp phần gây ra vòng xoắn luẩn quẩn này.

Đường là một chất cần thiết để cung cấp năng lượng, nhưng cũng rất nhanh bị đốt cháy. Do vậy, lượng đường trong máu có thể thay đổi từ thấp đến cao và hồi phục rất nhanh. Chu kỳ này dẫn đến tâm trạng bất ổn, dễ cảm thấy tức giận, buồn bã hoặc lo lắng. Trạng thái này cũng khiến chúng ta dễ đưa ra quyết định sai lầm, như ăn uống vô độ hoặc uống rượu.

Dưới đây là ba cách thay đổi lối sống có thể giúp cơ thể đối phó tốt hơn với căng thẳng.

Tăng hoạt động của dây thần kinh phế vị

Dây thần kinh phế vị là 1 trong 12 đôi dây thần kinh sọ, có vai trò điều chỉnh hệ thần kinh giao cảm (chiến đấu hoặc bỏ chạy) và phó giao cảm (nghỉ ngơi và tiêu hóa). Gần đây, dây thần kinh phế vị đang được chú ý nhiều hơn ở một số khía cạnh với một số lý do quan trọng.

Lối sống căng thẳng không nghỉ ngơi có thể khiến chúng ta luôn ở trong trạng thái chiến đấu hoặc bỏ chạy (giao cảm) mà không thể dùng đến hệ phó giao cảm (nghỉ ngơi và tiêu hóa). Có một số cách tuyệt vời giúp làm tăng hoạt động của hệ phó giao cảm và giữ cơ thể ở trạng thái điều tiết tốt hơn.

Ví dụ như: ngân nga, cười đùa, ca hát, hít thở sâu, tắm xen kẽ nước lạnh/ấm/lạnh, hoặc dùng lòng bàn tay ôm lấy xương hàm với các ngón tay đặt ở phía trước và sau tai, và tự nhắc nhở rằng bạn đã an toàn.

Một cách khác có thể giúp ích là nhận biết căn phòng hoặc vị trí bạn đang đứng bằng cách xem xét tất cả chi tiết xung quanh. Kỹ thuật này sẽ giúp bạn tập trung vào khoảnh khắc hiện tại và ở trong trạng thái ổn định hơn.

Hòa mình vào thiên nhiên

Hòa mình vào thiên nhiên bên ngoài có thể làm giảm căng thẳng một cách hữu hiệu. Hãy thử kết nối với thiên nhiên, như làm vườn không mang găng tay, chạm vào tán cây khi đi bộ, đi chân trần trên bãi biển, hít thở hương hoa xung quanh, hay đi bộ chánh niệm (từ từ đi về phía trước từng bước bằng cách đặt lần lượt gót chân, lòng bàn chân và sau đó là các ngón chân trên mặt đất). Tất cả những điều này thực sự có thể giúp ích trong việc đưa bạn đến gần hơn với khoảnh khắc hiện tại.

Để tâm hơn đến những điều xung quanh cũng có thể giúp giải tỏa căng thẳng. Hãy thử chọn một cái cây và ghi lại tất cả chi tiết khi giao mùa. Đây có thể là một việc thú vị nếu bạn không có nhiều cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên nơi mình sinh sống.

Thiên nhiên có một nhịp điệu tự nhiên giúp bạn xua tan căng thẳng. Tiếp xúc và quan sát thiên nhiên nhiều hơn sẽ giúp chúng ta tự kết nối với chính mình và giảm căng thẳng.

Kiểm soát đường máu

Cải thiện sự ổn định đường máu thông qua việc ăn uống là một cách khác để trợ giúp cơ thể khi bị căng thẳng.

Làm cách nào để đạt được điều đó? Ăn đủ protein và chất béo tốt cho cơ thể mỗi ngày có thể là điều hữu ích. Bảo đảm rằng bạn đang tiêu hóa thức ăn đúng cách để cơ thể nhận được đủ dưỡng chất. Chẳng hạn như uống men tiêu hóa từ cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe hoặc ăn chậm hơn để cơ thể có đủ thời gian tiêu hóa thức ăn.

Hãy tự hỏi bản thân rằng bạn đang nạp vào cơ thể nguồn nhiên liệu nào? Nếu cơ thể giống như một chiếc xe hơi, thì đó sẽ là loại xe đắt nhất hành tinh với tuổi thọ hơn 80 năm. Loại xe nào có thể làm được điều này? Vì vậy, hãy xem xét các loại thực phẩm mà bạn đưa vào cơ thể. Điều đó cũng giống như việc bảo dưỡng chiếc xe thường xuyên để duy trì hoạt động tốt nhất.

Bạn có ăn các loại thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất khoảng 50% đến 80% thời gian hay không, hay bạn thích ăn thực phẩm đã qua chế biến chứa đầy chất độn không giúp duy trì sự sống lâu dài?

Có bao nhiêu chất phụ gia hoặc thành phần trong thực phẩm mà bạn ăn? Những chất đó thực sự sẽ khiến cơ thể căng thẳng như thế nào bên cạnh nhiều tác động [bất lợi] khác?

Những yếu tố này chỉ là vài điều cần xem xét khi sức khỏe chịu ảnh hưởng của căng thẳng. Với những tác nhân gây căng thẳng có mặt trong mọi khía cạnh cuộc sống, thật khó để đạt được một cuộc sống hoàn toàn không có căng thẳng. Những gì chúng ta có thể kiểm soát là đưa ra các lựa chọn để giảm bớt căng thẳng. Những cách thức giúp cơ thể [hoạt động] tốt hơn cũng có thể giúp kiểm soát mọi căng thẳng hiện có.

Quan điểm thể hiện trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo hướng dẫn và gửi biểu mẫu cho chúng tôi tại đây.

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn