Cách tăng lưu thông bạch huyết, cải thiện quá trình lành xương

Mạch bạch huyết không chỉ hiện diện trong xương mà còn đóng vai trò quan trọng đối với quá trình lành xương.

Hệ thống bạch huyết bao gồm các ống mỏng và các hạch bạch huyết chạy khắp cơ thể. Đây là một phần của hệ thống miễn dịch, giúp duy trì cân bằng dịch trong cơ thể. Một số cấu trúc không có bạch huyết, chẳng hạn như xương. Cấu tạo cứng chắc của xương khiến việc nghiên cứu các vai trò của hệ thống bạch huyết trở nên đặc biệt khó khăn.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford đã dùng mô hình động vật để xác nhận rằng xương có chứa mô bạch huyết, và mô bạch huyết cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc lành xương.

Các mạch bạch huyết bị suy yếu ở xương lão hóa

Các nhà nghiên cứu đã xác định và hình ảnh hóa các mạch bạch huyết của xương ở chế độ 3D với độ phân giải cao bằng hình ảnh tấm sáng. Họ cũng xác định được một số tín hiệu quan trọng xảy ra giữa các mạch bạch huyết, tế bào gốc của và tế bào gốc của xương.

Việc phát hiện ra những tín hiệu này có thể đem đến những cách thức mới để kích thích quá trình lành xương bị thương ở những bệnh nhân cao tuổi.

Mạch bạch huyết không chỉ hiện diện trong xương mà còn đóng vai trò tái tạo xương và tế bào máu. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng quá trình lão hóa xương làm giảm phát triển các mạch bạch huyết để phản ứng với chấn thương.

Tiến sĩ Akash Kanwal Attreya, một bác sĩ y khoa gia đình ở Albuquerque, New Mexico, liên kết với Bệnh viện Piedmont Macon North và Holy Rosary Healthcare-Miles City cho biết hệ thống bạch huyết không chỉ có nhiệm vụ giám sát miễn dịch và vận chuyển dịch mà còn “đóng vai trò quan trọng trong việc rút ngắn thời gian liền xương” và duy trì sức mạnh của xương.

Ông tin rằng việc áp dụng kiến ​​thức này có thể cải thiện kết quả chăm sóc xương và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, và từ quan điểm sức khỏe toàn cầu là giảm tỷ lệ bị bệnh và tử vong.

Tiến sĩ Junyu Chen, đồng tác giả đứng đầu của nghiên cứu, cho biết: “Việc sử dụng các tế bào nội mô bạch huyết non giúp phục hồi quá trình lành xương lão hóa, từ đó cung cấp một hướng đi trong tương lai để kích thích quá trình lành xương ở người cao tuổi.”

Các nhà khoa học dự định mở rộng những phát hiện này để xem xét vai trò của các mạch bạch huyết trong các bệnh về xương, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, và khám phá các phương pháp mới để điều trị các bệnh về xương và máu.

Xương bắt đầu mất nhiều thời gian hơn để lành bắt đầu từ bao nhiêu tuổi?

Theo Tiến sĩ Kate Nixon, một bác sĩ nắn xương trong y học thần kinh cơ, không có độ tuổi cụ thể nào cho thấy khả năng lành xương giảm đi.

Cô nói với The Epoch Times: “Tuy nhiên, xương mất dần mật độ và kích thước khi chúng ta già đi. Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng về độ giòn và sự thay đổi về đặc tính chịu lực, khiến xương dễ hư hỏng hơn.”

Điều này trở nên rõ ràng hơn sau thời kỳ mãn kinh đối với phụ nữ – khoảng 50 tuổi, thường tương ứng với mức độ estrogen giảm dần. Đối với nam giới, điều này rõ ràng hơn sau 70 tuổi khi mức testosterone giảm dần.

Kích thích hệ thống bạch huyết

Có hai phương pháp để kích thích hệ thống bạch huyết và tăng khả năng lành xương bằng cách giúp dịch bạch huyết lưu thông tốt hơn trong cơ thể.

Xoa bóp bạch huyết

Phương pháp này còn được gọi là dẫn lưu bạch huyết bằng tay. Đây là một loại xoa bóp y tế chuyên biệt, giúp điều trị bệnh phù bạch huyết xảy ra khi dịch bạch huyết tích tụ ở một số khu vực của cơ thể.

Xoa bóp bạch huyết giúp cải thiện dòng chảy của dịch bạch huyết, làm giảm sưng tấy. Nghiên cứu cho thấy rằng xoa bóp bạch huyết có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Y học nắn xương

Hiện các bác sĩ nắn xương đang sử dụng liệu pháp Oѕteopathу (OMM) để điều chỉnh cơ thể nhằm điều trị đau cơ, gân hoặc xương.

Đây là một phương pháp điều trị bằng tay, trong đó các bác sĩ sẽ tạo áp lực nhẹ nhàng lên cơ thể để kích thích cơ thể tự chữa lành.

Cô Kathleen Becker, người có bằng tiến sĩ về sinh học phân tử và hóa sinh, giảng viên tại Trường Y học nắn xương thuộc Đại học New England, cho biết phương pháp này có thể tác động đến hệ bạch huyết. Cô nói: “Mặc dù các nghiên cứu đã ở cấp độ vĩ mô hơn nhiều và xem xét việc tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy qua ống bạch huyết và kết quả lâm sàng của các kỹ thuật [liên quan đến hệ] bạch huyết đối với các bệnh truyền nhiễm.”

Những cách khác để duy trì khả năng lành xương

Tiến sĩ Kathryn Brandt, chủ tịch lĩnh vực chăm sóc ban đầu tại Trường Y học nắn xương thuộc Đại học New England tại Maine cho biết, người cao tuổi có thể giúp xương chắc khỏe bằng cách tham gia các bài tập chịu trọng lượng như rèn luyện sức mạnh với tạ và đi bộ.

Họ cũng nên ăn nhiều rau và ít thực phẩm chế biến.

Cô Becker nói thêm rằng bổ sung đủ khoáng chất như calcium, protein (vì xương cũng được tạo thành từ protein) và các nguồn vitamin D cũng có thể hữu ích, “đặc biệt là trong những tháng mùa đông, nếu bạn sống ở Maine!”

Tiến sĩ Brandt thấy nghiên cứu của Đại học Oxford rất thú vị và tin rằng đây là một thách thức đối với một số giả định cũ về khả năng phục hồi của xương.

Bà nói: “Chúng ta càng tìm hiểu nhiều về những gì kiểm soát quá trình tái tạo và lành xương, thì chúng ta càng có thể tìm ra những cách mới để chữa bệnh tốt hơn.”

Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn