Chiến lược chăm sóc tim cổ xưa giúp ngăn ngừa cơn nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não

Mùa Đông là mùa có tỷ lệ bị bệnh tim mạch cao. Nhiệt độ thấp dẫn đến co mạch và tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Ông Lim, 60 tuổi, bị huyết áp cao và cholesterol cao, đã duy trì thói quen chạy bộ hàng ngày và đi bộ đường dài hàng tuần để tăng sức khỏe tim mạch. Một ngày nọ, khi một đợt gió lạnh ập đến, ông leo núi mà không mặc đủ quần áo ấm. Đi được nửa đường, ông đột nhiên cảm thấy như có một tảng đá nặng đè lên ngực mình – một cơn đau tim ập đến. May mắn thay, được những người bạn đồng hành sơ cứu kịp thời nên ông đã được cứu sống.

Mùa Đông là mùa có tỷ lệ bị bệnh tim mạch cao. Nhiệt độ thấp và chênh lệch nhiệt độ lớn dẫn đến co mạch và tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Một nghiên cứu của Vương quốc Anh cho thấy cứ nhiệt độ giảm 1.8ºF (1ºC) thì sẽ có thêm 200 trường hợp nhồi máu cơ tim (đau tim) xảy ra ở Anh mỗi ngày. Người già và những người có tiền sử bệnh tim mạch vành đặc biệt dễ bị tổn thương trước những thay đổi của thời tiết.

Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ ấm cho bệnh nhân tim mạch và người già. Ngoài ra, còn có thể giảm thiểu nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não qua xoa bóp, bấm huyệt, phương thức ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Bảo vệ 3 bộ phận chính của cơ thể để ngăn ngừa lạnh bên trong

Trung y cho rằng nên tuân theo nguyên tắc “ẩn náu” vào mùa Đông – tức là bảo vệ các bộ phận quan trọng của cơ thể để tránh các cơ quan nội tạng tiếp xúc với gió lạnh. Cụ thể, giữ ấm cổ, bụng và lòng bàn chân góp phần ngăn ngừa nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Dưới đây là hướng dẫn cách “che” các bộ phận:

  • Cổ: Nên quàng khăn để giữ ấm cổ và tránh tiếp xúc với gió. Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa tai biến mạch máu não mà còn bảo vệ cổ họng khỏi gió lạnh, giảm thiểu nguy cơ ho.
  • Bụng: Bụng là nguồn năng lượng của con người, ngay cả trong mùa Hè cũng phải tránh để gió lùa qua rốn. Giữ ấm rốn có thể bảo vệ nội tạng khỏi gió lạnh, tăng chức năng tiêu hóa và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Đối với những trẻ hay tung chăn khi ngủ, nên cân nhắc việc quấn đai bụng cho trẻ để bảo vệ dạ dày của trẻ khỏi gió lạnh.
  • Lòng bàn chân: Lòng bàn chân là nơi cuối cùng của hệ tuần hoàn trong cơ thể con người, cách xa tim nhất và cũng là nơi tập trung nhiều huyệt vị. Nếu lòng bàn chân tiếp xúc với gió lạnh, ẩm ướt sẽ khiến các mạch máu ngoại vi co lại, tăng huyết áp, thậm chí sinh ra mảng xơ cứng động mạch và cục máu đông, gây nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não. Nên đi giày và tất phù hợp, không nên đi chân trần hoặc dép lê khi ra ngoài.

Theo cổ y văn Trung Hoa, “Hoàng Đế Nội Kinh,” điều quan trọng là “tránh sự tấn công của các yếu tố gây bệnh vào đúng thời điểm,” điều này có nghĩa là nên theo dõi sự thay đổi của bốn mùa – Xuân, Hạ, Thu, Đông – để tránh những yếu tố có thể gây bệnh. Ví dụ, tránh tiếp xúc với gió lạnh trong mùa Đông có thể ngăn ngừa nhiều bệnh tật.

Thực phẩm khuyên dùng trong mùa Đông

Đối với những người bị lạnh chân tay trong mùa Đông và mặc nhiều quần áo mà vẫn bị lạnh, có thể chọn ăn một số thực phẩm có tính nóng để tăng nhiệt cơ thể, chống rét. Trong Trung y, thực phẩm được phân loại thành lạnh, nóng, ấm và mát. Thực phẩm có tính ấm, nóng giúp làm ấm cơ thể, thích hợp dùng vào mùa đông. Mùa thu đông đánh dấu sự thu hoạch các loại rau ăn củ. Tiêu thụ thực phẩm theo mùa cũng là nguyên tắc quan trọng trong Trung y để duy trì sức khỏe tổng thể. Cùng xem xét các loại thực phẩm sau:

  • Thịt: Thịt cừu và thịt bò đều có tính ấm, nhiều protein và chất béo, cung cấp lượng calorie cao và có tác dụng chống cảm lạnh hiệu quả.
  • Rau củ: Cà rốt, khoai lang, ngưu bàng, khoai tây, khoai lang và các loại rau củ khác nhiều chất xơ và vitamin. Khi nấu với thịt có tác dụng chống lạnh và giúp cân bằng cholesterol.

Như người Trung Hoa có câu, “Mùa Đông ăn củ cải, mùa Hè ăn gừng thì không cần đơn thuốc của bác sĩ.” Củ cải là loại rau trồng theo mùa vào mùa đông, có tác dụng thúc đẩy khí huyết lưu thông, trợ giúp tiêu hóa, chống cảm lạnh. Theo nguyên tắc “thực phẩm theo mùa” của Trung y, ăn củ cải vào mùa đông có thể giúp tiêu hóa và ngăn ngừa cảm lạnh. Củ cải có thể được chế biến thành món súp hoặc món xào, chẳng hạn như súp sườn heo củ cải.

3 loại thực phẩm tốt cho tim

Khi nói đến việc ngăn ngừa các cơn nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não, thì việc tiêu thụ thực phẩm có lợi cho tim là rất quan trọng. Những thực phẩm sau đây tốt cho tim mạch:

  • Thực phẩm có màu đỏ: Trong Trung y, thực phẩm có màu đỏ được cho là có tác dụng dưỡng tim. Các loại thực phẩm màu đỏ như chà là đỏ, cà chua, cà rốt và anh đào có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, có thể thúc đẩy khí và lưu thông máu, có lợi cho tim.
  • Rau họ cải: Nên ăn luân phiên các loại rau họ cải như súp lơ trắng, bông cải xanh, bắp cải, bắp cải Trung Hoa mỗi ngày để giúp ngăn ngừa bệnh động mạch vành. Một nghiên cứu với 1,000 phụ nữ trên 70 tuổi được công bố trên Journal of the American Heart Association (Tập san Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ – JAHA) năm 2018 cho thấy ăn nhiều rau họ cải có thể giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch, ăn thêm 10 gram rau họ cải mỗi ngày sẽ làm giảm 0.8% độ dày lớp nội trung mạc động mạch cảnh, một dấu hiệu của chứng xơ vữa động mạch.
  • Trái bơ: trái bơ là loại trái cây nhiều dinh dưỡng có chứa acid béo omega-9 và omega-3, có tác dụng làm giảm cholesterol xấu, giúp làm sạch mạch máu, tăng độ đàn hồi và duy trì sức khỏe mạch máu.

Công thức giúp cải thiện nhịp tim nhanh

Củ hoa Lily, hạt sen và súp táo tàu là một món tráng miệng thơm ngon, ngọt ngào có thể giúp làm dịu nhịp tim nhanh.

Thành phần:

  • 1 ounce (30 gram) củ hoa lily
  • 1 ounce (30 gram) hạt sen.
  • 9 miếng chà là đỏ.
  • 34 ounce nước (1,000ml) nước.
  • Đường phèn (tùy theo khẩu vị).

Chế biến: Sau khi rửa sạch tất cả nguyên liệu, cho vào nồi, thêm 34 ounce nước (1,000ml) nước, đun sôi rồi thêm đường phèn cho vừa ăn.

Công dụng: Món tráng miệng này có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng phổi, dưỡng khí huyết, an thần, uống xong thấy dễ chịu.

Giảm đau tim bằng 2 huyệt này

Nếu cảm thấy tình trạng khó chịu ở tim như tức ngực, đau ngực, nhịp tim không đều hoặc nhịp tim nhanh, có thể ấn vào hai huyệt trên tay để giảm triệu chứng và chờ cấp cứu y tế.

Chiến lược chăm sóc tim cổ xưa giúp ngăn ngừa cơn nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não
Huyệt Nội Quan (Ảnh: The Epoch Times)

Huyệt Nội quan

Huyệt Nội quan nằm ở phía trong cổ tay, rộng bằng ba ngón tay tính từ nếp gấp cổ tay, giữa hai gân trên cổ tay. Nhấn vào huyệt Nội quan có thể làm tăng lưu lượng máu đến các cơ quan nội tạng và cũng có thể làm giảm các triệu chứng như đánh trống ngực và đau thắt tim.

Chiến lược chăm sóc tim cổ xưa giúp ngăn ngừa cơn nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não
Huyệt Dương khê (Ảnh: The Epoch Times)

Huyệt Dương khê

Huyệt Dương khê nằm ở phía ngoài mu bàn tay, phía dưới ngón cái, ở chỗ lõm nơi lòng bàn tay và cổ tay gặp nhau. Nhấn vào huyệt Dương khê có thể giúp cải thiện các triệu chứng như nhịp tim không đều và nhịp tim nhanh.

Đánh trống ngực thường xuyên cho thấy cần phải dưỡng huyết và tim. Ngoài việc cân nhắc về phương thức ăn uống, điều cần thiết là duy trì tâm trạng tích cực, tránh thức khuya và làm việc quá sức.

3 mẹo chăm sóc tim trong giai đoạn có nguy cơ cao

Một nghiên cứu từ Trường Y khoa Harvard cho thấy nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đau thắt ngực, rối loạn nhịp thất và đột tử do tim diễn ra theo nhịp sinh học, với nguy cơ cao nhất xảy ra trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Nguy cơ gia tăng này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như đồng hồ sinh học và căng thẳng tinh thần, khiến hệ thống tim mạch dễ bị tổn thương hơn vào buổi sáng.

Vì vậy, việc rèn luyện những thói quen sau đây trong cuộc sống hàng ngày là rất quan trọng:

  • Mặc áo khoác trong những khoảng thời gian nhất định: Khi đi vệ sinh vào ban đêm hoặc khi thức dậy vào buổi sáng, nên mặc áo choàng hoặc áo khoác để giữ ấm cơ thể.
  • Khởi động trước khi tập thể dục vào buổi sáng: Với những người đã quen tập thể dục vào buổi sáng nên chú ý không tăng cường độ tập luyện đột ngột, tốt nhất trước tiên nên khởi động khoảng 10 đến 15 phút và đợi đến khi cơ thể bắt đầu hoạt động. Trong thời tiết se lạnh, những người bị bệnh tim mạch nên tập thể dục trong nhà để giảm thiểu tiếp xúc với gió lạnh.
  • Uống nước trước khi đi ngủ: Uống một lượng nhỏ nước trước khi ngủ giúp làm loãng máu, ngăn ngừa cơn nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não do máu quá đặc.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Hồ Nãi Văn
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Tiến sĩ Hồ Nãi Văn là bác sĩ Trung y tại Trung tâm Y học cổ truyền Đồng Đức Thượng Hải ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Ông là giáo sư tại Đại học Y khoa Nine Star ở Sunnyvale, California, Hoa Kỳ. Ông cũng là nhà nghiên cứu khoa học đời sống tại Viện nghiên cứu Standford. Trong hơn 20 năm hành nghề y, ông đã điều trị hơn 140,000 bệnh nhân. Ông nổi tiếng với việc chữa trị thành công bệnh nhân ung thư hắc tố thứ năm trên thế giới bằng Trung y. Bác sĩ Hồ hiện đang dẫn chương trình sức khỏe trên YouTube với hơn 700,000 người đăng ký. Ông cũng được biết đến với chương trình trình diễn lưu động về sức khỏe nổi tiếng được tổ chức ở nhiều thành phố khác nhau ở Úc và Bắc Mỹ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn