Vitamin B12: chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp ngăn ngừa sa sút trí tuệ
Nghiên cứu gần đây cho thấy phương pháp điều trị đơn giản có thể giúp ngăn chặn sự tiến triển của chứng sa sút trí tuệ.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tập san The Lancet, các trường hợp bị sa sút trí tuệ đang gia tăng ở mọi quốc gia và dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần trên toàn cầu vào năm 2050. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nổi cho thấy phương pháp điều trị đơn giản có thể giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Vitamin B12, cần thiết cho chức năng bộ não và thần kinh khỏe mạnh, đang cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc ngăn ngừa tình trạng thoái hóa thần kinh này.
Vitamin B12: Siêu anh hùng trong Thần kinh học
Tiến sĩ J. David Spence, giáo sư danh dự về thần kinh học và dược lý lâm sàng tại Đại học Western ở Ontario, Canada, nói với The Epoch Times, “B12 và folate cần thiết cho quá trình tổng hợp DNA, vì vậy rất cần thiết cho chức năng của tế bào, bao gồm cả tế bào thần kinh.” Folate, loại vitamin B khác, liên quan chặt chẽ với vitamin B12 trong việc hình thành tế bào thần kinh.
Vitamin B12 cũng cần thiết để tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh, hóa chất truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh. Cụ thể, B12 tham gia vào việc sản xuất serotonin và dopamine. Hàm lượng các chất này thấp hơn có liên quan đến việc mất trí nhớ.
Vai trò chính khác của vitamin B12 là tham gia vào việc hình thành và duy trì vỏ myelin. Myelin là [lớp] chất béo bao phủ và cách điện trên các sợi thần kinh, cho phép truyền tín hiệu thần kinh hiệu quả.
Tiến sĩ Spence cho biết, thiếu vitamin B12 gây ra bệnh thần kinh và bệnh cơ, có thể dẫn đến việc phối hợp và giữ thăng bằng khó khăn. Chứng mất trí nhớ là một hậu quả tiềm ẩn khác.
1. Chất chống oxy hóa mạnh mẽ
Trong khi vitamin C và E là những chất chống oxy hóa nổi tiếng, nghiên cứu cho thấy vitamin B12 cũng là một chất chống oxy hóa mạnh giúp giảm căng thẳng oxy hóa. Căng thẳng oxy hóa gây ra tình trạng viêm để sửa chữa tổn thương, nhưng tình trạng viêm kéo dài có thể góp phần gây ra một số bệnh, bao gồm bệnh Alzheimer.
Trong bệnh Alzheimer – chiếm 60% đến 70% các trường hợp sa sút trí tuệ – các tế bào thần kinh khắp não bị chết, các kết nối bị phá vỡ và các vùng não teo lại. Các tế bào thần kinh dễ bị tổn thương trước căng thẳng oxy hóa vì có chứa ít glutathione, là chất chống oxy hóa loại bỏ gốc tự do, cũng như có nhiều acid béo không bão hòa đa có thể tương tác với các gốc tự do và gây tổn thương.
Vì vậy, các chất chống oxy hóa có thể là phương pháp trị liệu tiềm năng để ngăn ngừa hoặc điều trị [bệnh Alzheimer].
Vitamin B12 “rất thú vị” so với các loại vitamin khác, vì B12 không chỉ có đặc tính chống oxy hóa mà còn có thể phá vỡ con đường dẫn đến bệnh Alzheimer.
2. Làm chậm quá trình suy giảm nhận thức
Biết được vai trò bảo vệ thần kinh tiềm tàng của B12, các nhà khoa học đã nghiên cứu hiệu quả của B12 trong việc làm chậm chứng mất trí nhớ. Các nghiên cứu quan sát đã phát hiện ra rằng mức vitamin B12 thấp có liên quan đến sự suy giảm nhận thức nhanh hơn và nguy cơ bị bệnh Alzheimer cao hơn.
Nghiên cứu của Thụy Điển cho thấy mức vitamin B12 dưới 250 picomole/l (mức bình thường là 260 đến 1,200 picomole/l) làm tăng gấp đôi nguy cơ bị bệnh Alzheimer ở người lớn trên 75 tuổi trong vòng 3 năm, đặc biệt nếu đi kèm với thiếu folate.
Ngoài ra, lượng vitamin B12 thấp đôi khi có thể dẫn đến suy giảm nhận thức. Việc điều chỉnh tình trạng thiếu hụt B12 có thể đem lại lợi ích cho người lớn tuổi bị suy giảm nhận thức.
Nổi tiếng với việc khảo sát mối liên quan giữa tình trạng thiếu B12 và chứng mất trí nhớ, Tiến sĩ Spence cho biết lần đầu tiên ông chứng kiến hiệu quả của vitamin B12 khi còn là thực tập sinh sau khi một mũi chích đã giúp ích cho người phụ nữ lớn tuổi bị thiếu vitamin B12 trầm trọng.
Ông nói, “[Bà ấy] thực sự đã nằm trên cáng để được xe cấp cứu đưa trở lại viện dưỡng lão. Bác sĩ gia đình đã gọi cho tôi ba ngày sau đó để nói với tôi rằng [chức năng nhận thức] đã cải thiện đáng kể.”
“Đó là một trong những lý do khiến tôi quan tâm đến vitamin B12.”
Vitamin này có thể ngăn ngừa chứng mất trí nhớ và nếu được cung cấp đủ sớm cũng có thể cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải sử dụng một trong hai loại methylcobalamin hoặc hydroxocobalamin, vì loại thứ ba, cyanocobalamin, độc hại ở những bệnh nhân suy thận, thường bao gồm cả người lớn tuổi.
Ngăn ngừa chứng mất trí nhớ bằng lối sống
Các tài liệu khoa học và các giai thoại đều đánh dấu tầm quan trọng của vai trò của vitamin B12 trong việc ngăn ngừa chứng mất trí nhớ. Nhưng theo bà Pamela Frank, là bác sĩ trị liệu tự nhiên được cấp phép, một cái nhìn toàn diện cũng rất cần thiết.
Bà nói với The Epoch Times, “Chứng sa sút trí tuệ là căn bệnh kinh niên, phức tạp và khó có thể chỉ do một vấn đề duy nhất gây ra, như thiếu hụt vitamin B12. Có thể có nhiều yếu tố góp phần.”
Ngoài mức vitamin B12 tối ưu, bà Frank khuyến khích nên tập thể dục nhịp điệu hàng ngày. Bà nói, “Hãy nghĩ đến việc đi bộ nhanh 30 phút mỗi sáng.”
Bài tập này giúp củng cố hệ tuần hoàn và tăng sản xuất yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ tế bào não (BNDF), tương quan với nguy cơ bị chứng mất trí nhớ thấp hơn. Bà Frank cho biết, việc ra ngoài cũng giúp cải thiện tâm trạng và mức vitamin D, do đó giúp duy trì sức khỏe tế bào thần kinh.
Thói quen ngủ lành mạnh là rất quan trọng, vì thiếu ngủ có liên quan đến nguy cơ mất trí nhớ cao hơn.
Bà nói rằng việc giảm thiểu lượng đường ăn vào cũng là điều quan trọng. Tình trạng viêm do lượng đường trong máu cao làm tổn thương các mạch máu cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho não, làm suy giảm tuần hoàn.
Bà Frank cũng nhấn mạnh việc nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh bằng thực phẩm lên men, như kim chi và dưa cải bắp, và chất xơ. Bởi vì chứng rối loạn sinh lý đường ruột có liên quan đến nguy cơ bị chứng mất trí nhớ cao hơn.
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times