Bệnh tiểu đường: Dấu hiệu sớm, nguyên nhân, điều trị, và giải pháp tự nhiên

Bệnh tiểu đường là một bệnh chuyển hóa kinh niên, đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao bất thường. Lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương trầm trọng cho mắt, thận và các cơ quan khác. Đây là lý do vì sao việc phát hiện các dấu hiệu sớm và tìm cách điều trị là rất quan trọng nếu bạn nghi ngờ mình có thể bị bệnh tiểu đường.

Người ta ước tính vào năm 2019 rằng 37.3 triệu người Mỹ—11.3% dân số—bị bệnh tiểu đường. Ngoài ra, trung bình có khoảng 1.4 triệu người Mỹ được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường mỗi năm.

Đường máu là gì?

Lượng đường trong máu đề cập đến các phân tử glucose đang lưu thông trong máu.

Khi lượng đường trong máu tăng lên, hormone insulin sẽ vận chuyển các phân tử đường từ máu vào các tế bào của cơ thể. Các tế bào sử dụng glucose để tạo ra năng lượng.

Khi không có đủ insulin hoặc các tế bào kháng insulin, đường sẽ tích tụ đến mức gây nguy hiểm trong máu.

Tình trạng đường máu tăng cao được gọi là tăng đường huyết. Tăng đường huyết là một đặc điểm nổi bật của bệnh tiểu đường.

Các loại bệnh tiểu đường phổ biến là gì?

Có một số loại bệnh tiểu đường:

  • Bệnh tiểu đường loại 1 là một bệnh tự miễn xảy ra trong giai đoạn sớm của cuộc đời. Một bệnh tự miễn dịch xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào cụ thể.

Ở một người bị bệnh tiểu đường loại 1, các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy bị phá hủy bởi các tế bào T của hệ miễn dịch. Điều này có nghĩa là một người bị bệnh tiểu đường loại 1 không thể sản xuất đủ insulin để sinh tồn.

Không có cách chữa bệnh tiểu đường loại 1 và bệnh nhân tiểu đường loại 1 cần được chích insulin để duy trì sự sống. Khoảng 5% những người bị bệnh tiểu đường là thuộc loại 1.

  • Bệnh tiểu đường loại 2 xảy ra khi cơ thể kháng insulin, khiến lượng đường trong máu tăng cao. Để đáp ứng với lượng đường trong máu cao, tuyến tụy tiết ra nhiều insulin hơn. Theo thời gian, các tế bào tuyến tụy sản xuất insulin—tế bào beta—bị suy yếu và không thể sản xuất đủ insulin để hạ đường huyết một cách hiệu quả.

Bệnh tiểu đường loại 2 là loại bệnh tiểu đường phổ biến nhất, thường xảy ra ở người lớn, nhưng do tỷ lệ béo phì ngày càng tăng ở trẻ em, đã có sự gia tăng số lượng trẻ em bị bệnh tiểu đường Loại 2.

Bệnh tiểu đường loại 2 thường có thể được kiểm soát tốt bằng cách ăn uống và tập thể dục hợp lý. Khoảng 90% đến 95% những người bị bệnh tiểu đường là thuộc loại 2.

  • Tiểu đường thai kỳ là một dạng bệnh tiểu đường xảy ra trong thời kỳ mang thai. Cũng như các dạng bệnh tiểu đường khác, lượng đường trong máu tăng cao có thể ảnh hưởng đến thai kỳ và sức khỏe của em bé. Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể được kiểm soát tốt trong thai kỳ bằng cách ăn uống, tập thể dục và thuốc nếu cần. Sau khi sinh con, đường máu thường trở lại bình thường, nhưng nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2 sẽ cao hơn.
  • Tiền tiểu đường là tình trạng đường máu cao hơn bình thường, nhưng chưa đủ để được xem là bệnh tiểu đường. Những người bị tiền tiểu đường có 50% khả năng bị bệnh tiểu đường trong vòng 5 đến 10 năm tới sau khi được chẩn đoán. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, các chuyên gia cho rằng cứ ba người Mỹ thì có hơn một người bị tiền tiểu đường và đa số không biết điều đó.

Các loại tiểu đường khác:

  • Tiểu đường loại 1.5 là bệnh tiểu đường tự miễn dịch tiềm ẩn ở người lớn (LADA). Căn bệnh này tương tự như bệnh tiểu đường loại 1 ở chỗ đều là do tự miễn dịch; tuy nhiên, khởi phát xảy ra ở tuổi trưởng thành hơn là ở thời thơ ấu. Cũng giống như bệnh tiểu đường loại 1, không có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường loại 1,5 và phải dùng insulin hàng ngày.
  • Bệnh tiểu đường loại 3c là một loại bệnh tiểu đường xảy ra do tổn thương tuyến tụy, không phải do tổn thương tự miễn dịch. Tổn thương tuyến tuỵ ảnh hưởng đến khả năng sản xuất đủ insulin. Ung thư tuyến tụy, xơ nang, bệnh thừa sắt và viêm tụy đều có thể gây tổn thương tuyến tụy dẫn đến bệnh tiểu đường loại 3c. Cắt bỏ tuyến tụy cũng sẽ gây ra bệnh tiểu đường loại 3c.

Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường bao gồm:

  • Tăng cảm giác khát và đi tiểu
  • Tăng cảm giác đói
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Mệt mỏi
  • Yếu người và khó chịu
  • Mờ mắt
  • Vết loét lành chậm
  • Nhiễm trùng thường xuyên hơn
  • Tê hoặc ngứa ran ở bàn chân hoặc bàn tay
  • Ketone trong nước tiểu

Các triệu chứng của các loại bệnh tiểu đường đều giống nhau; tuy nhiên, mốc thời gian về tốc độ phát triển là khác nhau.

Bệnh tiểu đường loại 1 so với loại 1.5

Ở bệnh nhân tiểu đường loại 1, các triệu chứng có thể bắt đầu nhanh chóng, chỉ trong vài tuần. Bệnh nhân tiểu đường loại 1.5 có thể xuất hiện các triệu chứng chậm hơn. Ở bệnh nhân tiểu đường loại 2, các triệu chứng có xu hướng phát triển chậm hơn nhiều, thường là trong vài năm.

Đối với bệnh nhân tiểu đường loại 1 và 1,5, tình trạng có thể trở nên nguy hiểm đến tính mạng rất nhanh. Mọi người đặc biệt có nguy cơ nhiễm toan ceton do tiểu đường nếu không nhận đủ insulin.

Bệnh tiểu đường loại 2 so với loại 1

Có một số triệu chứng phổ biến hơn ở bệnh tiểu đường Loại 2. Ví dụ, bệnh tiểu đường loại 2 có thể dẫn đến các rối loạn thoái hóa thần kinh, bao gồm cả bệnh Alzheimer.

Tăng nguy cơ bị bệnh mạch máu, như bệnh tim mạch vành và đột quỵ, cũng liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2.

Một bài tổng quan năm 2021 cho thấy những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường loại 2 có các chỉ dấu viêm trong máu cao hơn so với bệnh nhân tiểu đường loại 1. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường loại 2 có xu hướng bị các vết loét lâu lành và gây ngứa dây thần kinh thường xuyên hơn so với bệnh nhân tiểu đường loại 1.

Nguyên nhân chính của bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường loại 1 và loại 1.5

Ở bệnh tiểu đường loại 1 và 1.5, các tế bào T tấn công các tế bào sản xuất insulin—tế bào beta—của tuyến tụy. Các nhà khoa học không chắc chắn chính xác điều gì đã kích hoạt các tế bào T nhắm mục tiêu vào các tế bào của chính cơ thể. Có thể có sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường.

Nhiễm virus như enterovirus (EV), đặc biệt là coxsackieviruses B (CVB), có thể là một thành phần nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường loại 1.

Bệnh tiểu đường loại 2

Ở bệnh tiểu đường loại 2, các tế bào gan, mỡ và cơ trở nên kháng insulin. Insulin giống như chiếc chìa khóa để tế bào lấy glucose và sử dụng làm năng lượng. Ở bệnh tiểu đường loại 2, các tế bào không phản ứng với insulin nên nồng độ đường trong máu vẫn tăng cao.

Để phản ứng với mức đường máu cao, tuyến tụy sẽ tiết ra nhiều insulin hơn. Theo thời gian, các tế bào beta sản xuất insulin trở nên suy yếu và không thể sản xuất đủ.

Bệnh tiểu đường: Dấu hiệu sớm, nguyên nhân, điều trị, và giải pháp tự nhiên
Ở bệnh tiểu đường loại 1 và 1.5, các tế bào T tấn công các tế bào sản xuất insulin, làm mất nguồn insulin cung cấp cho tế bào để tạo ra năng lượng. Ở bệnh tiểu đường loại 2, các tế bào không phản ứng đúng cách với insulin. (Ảnh: The Epoch Times)

Tiểu đường thai kỳ

Khi mang thai, nhau thai sản xuất một số hormone, chẳng hạn như estrogen, lactogen nhau thai người và cortisol, có thể ngăn chặn một số hoạt động của insulin.

Thông thường, tuyến tụy có thể tạo ra nhiều insulin hơn để bù đắp cho tình trạng kháng insulin do mang thai. Tuy nhiên, trong khoảng 6% đến 9% người Mỹ mang thai, tuyến tụy không thể [tăng hoạt động] theo kịp và dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ.

Nhiễm trùng COVID-19 có thể gây khởi phát bệnh tiểu đường không?

Nhiễm trùng COVID-19 có thể gây khởi phát bệnh tiểu đường ở một số người. Các báo cáo cho thấy tần suất khởi phát bệnh tiểu đường tăng lên ở những bệnh nhân sau khi được chẩn đoán nhiễm COVID-19.

Bệnh tiểu đường có khởi phát mới đã được phát hiện sau khi nhiễm COVID-19. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, một nhóm các nhà nghiên cứu bệnh tiểu đường hàng đầu đã thành lập một cơ sở dữ liệu về bệnh nhân bị bệnh tiểu đường liên quan đến COVID-19.

Chích vaccine COVID

Đã có báo cáo về sự khởi phát của bệnh tiểu đường tự miễn dịch sau khi chích vaccine COVID. Trong một nghiên cứu ca bệnh, một phụ nữ Nhật Bản 73 tuổi được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường tự miễn tám tuần sau khi chích vaccine Moderna thứ hai. Báo cáo, được công bố trên Tập san Journal of Diabetes Investigation, lưu ý rằng nghiên cứu cho thấy có “các cơ chế miễn dịch phức tạp để phá hủy các tế bào β liên quan đến việc chích ngừa.”

Ai có nhiều khả năng bị bệnh tiểu đường?

Bệnh tiểu đường loại 1 và 1.5

Các nhà khoa học tin rằng có một thành phần di truyền cũng như các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến khả năng xảy ra hiện tượng tự miễn dịch. Có anh chị em hoặc cha mẹ bị bệnh tiểu đường loại 1 có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 1 ở thanh thiếu niên.

Bệnh tiểu đường loại 2

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2, bao gồm:

  • Thừa cân.
  • Thiếu hoạt động thể chất.
  • Tiền sử gia đình: Có cha mẹ hoặc anh chị em bị bệnh tiểu đường loại 2.
  • Mỡ bụng: Vòng eo trên 35 inch (88.9cm) với phụ nữ và từ 40 inch (101.6cm) trở lên đối với nam giới.
  • Mức lipid máu: Có chất béo trung tính cao và mức cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) thấp.
  • Chủng tộc và dân tộc: Người da đen, người Á Châu, người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ bản địa và người dân đảo Thái Bình Dương có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2 hơn người da trắng.
  • Tiền tiểu đường: Nếu tiền tiểu đường không được giải quyết, nó thường dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2.
  • Cao huyết áp.
  • Tuổi: Nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2 tăng theo tuổi, đặc biệt là sau 45 tuổi.
  • Tiểu đường thai kỳ.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (POS): POS là tình trạng buồng trứng sản xuất ra nhiều loại hormone không mong muốn. Béo phì, chu kỳ kinh nguyệt không đều, mụn trứng cá và rậm lông đều có liên quan đến tình trạng này.

Tiểu đường thai kỳ

Bạn có nhiều khả năng bị bệnh tiểu đường thai kỳ nếu có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ sau:

  • Tiền sử gia đình bị bệnh tiểu đường loại 2
  • Chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30
  • Trên 35 tuổi
  • Bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước đó
  • Đã sinh em bé nặng hơn 9 pounds (4kg)

Các xét nghiệm để phát hiện bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường loại 1 và 1.5

Việc chẩn đoán bệnh tiểu đường loại 1 và 1.5 tương đối đơn giản. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ chỉ định các xét nghiệm sau nếu bạn có các triệu chứng của bệnh tiểu đường:

  • Xét nghiệm đường huyết: Xét nghiệm này được thực hiện để xác định lượng đường trong máu. Đây có thể là một bài kiểm tra ngẫu nhiên (không bắt buộc nhịn ăn) hoặc cần nhịn ăn. Kết quả cho thấy lượng đường trong máu cao là biểu hiện của bệnh tiểu đường.
  • Xét nghiệm kháng thể: Các tự kháng thể là các protein nhắm vào các mô của cơ thể do nhầm lẫn. Xét nghiệm kháng thể trong máu giúp phát hiện các tự kháng thể. Sự hiện diện của các tự kháng thể cụ thể cho thấy bệnh tiểu đường tự miễn—loại 1 nếu bạn là trẻ em và loại 1.5 nếu bạn là người lớn. Những người bị bệnh tiểu đường loại 2 thường không có tự kháng thể nhắm vào tuyến tụy.
  • Xét nghiệm huyết sắc tố glycosyl hóa (A1C): Nếu kết quả xét nghiệm đường huyết cho thấy bạn hoặc con bạn có thể bị tiểu đường, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm HbA1c. Đây là một xét nghiệm máu đơn giản để xác định lượng glucose trung bình trong máu trong ba tháng qua.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị các xét nghiệm này để biết được sức khỏe tổng thể của bạn và để xem bạn có bị nhiễm toan ketone hay không:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Đây là một xét nghiệm nước tiểu đơn giản để kiểm tra thể ketone, acid mà cơ thể tạo ra khi tế bào không có đủ glucose từ máu để sử dụng làm năng lượng. Nồng độ ketone cao trong máu có thể khiến máu trở nên có tính acid, có thể gây tử vong nếu không được điều trị.
  • Các xét nghiệm về chuyển hóa cơ bản: Xét nghiệm máu này đo lường một số chất trong máu, cung cấp gợi ý về sức khỏe tổng thể.

Bệnh tiểu đường loại 2

Có một số xét nghiệm mà bác sĩ sẽ sử dụng để đánh giá xem bạn có bị bệnh tiểu đường loại 2 hay không:

  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Bạn sẽ cần nhịn ăn hoặc chỉ được uống một vài ngụm nước trong tám giờ trước khi xét nghiệm. Đây là một xét nghiệm máu để kiểm tra đường máu lúc đói. Kết quả từ 100 đến 125 mg/dL cho thấy tình trạng tiền tiểu đường và kết quả từ 126 mg/dL trở lên là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
  • Xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên: Đây là xét nghiệm máu có thể được thực hiện bất cứ lúc nào, bất kể có nhịn ăn hay không. Xét nghiệm này giúp đo lượng đường trong máu. Kết quả từ 140 đến 199 mg/dL là biểu hiện của tiền tiểu đường, trong khi kết quả từ 200 mg/dL trở lên là biểu hiện của bệnh tiểu đường.
  • Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống: Xét nghiệm này đánh giá lượng đường trong máu trước và sau khi uống thức uống có nhiều đường. Kết quả từ 200 mg/dL trở lên là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
  • Xét nghiệm huyết sắc tố Glycolate (HbA1c): Đây là xét nghiệm máu đơn giản xác định lượng glucose trung bình trong máu trong ba tháng qua. Kết quả được chỉ định dưới dạng phần trăm. HbA1c bình thường là dưới 5.7%. Kết quả 6.5% hoặc cao hơn là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Mức HbA1c có xu hướng cao hơn ở những người da đen không phải gốc Tây Ban Nha so với những người da trắng.

Các biến chứng của tiểu đường

Đường máu cao gây hại cho các mao mạch nhỏ cung cấp oxy đến các mô của cơ thể. Việc không kiểm soát cẩn thận lượng đường trong máu có thể làm hư hại những mao mạch này và gây tổn thương các mô xung quanh do tuần hoàn kém.

Trong trường hợp tổn thương mao mạch, các biến chứng sau đây có thể xảy ra:

  • Bệnh thần kinh do tiểu đường: Các dây thần kinh bị tổn thương dẫn đến tê bì, ngứa và đau. Thông thường, những cảm giác này bắt đầu ở các ngón chân và lan dần lên trên. Khi các dây thần kinh liên quan đến tiêu hóa bị tổn thương có thể dẫn đến buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy. Đàn ông có thể bị rối loạn cương dương.
  • Bệnh võng mạc tiểu đường: Các mạch máu cung cấp oxy cho võng mạc rất mỏng manh và có thể bị tổn thương do lượng đường máu cao kéo dài. Võng mạc là lớp tế bào nhận cảm ánh sáng. Khi đường máu không được kiểm soát, tổn thương trầm trọng có thể xảy ra ở võng mạc, có khả năng dẫn đến mù lòa.
  • Bệnh thận do tiểu đường: Mỗi quả thận chứa hàng triệu mao mạch chuyên biệt mỏng manh được gọi là tiểu cầu thận. Những cầu thận này rất quan trọng để lọc chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi máu. Lượng đường máu cao kéo dài sẽ làm tổn hại các mao mạch này và có thể dẫn đến suy thận.

Việc không giữ mức đường máu tốt cũng có thể dẫn đến:

  • Bệnh tim mạch
  • Giảm thính lực
  • Nhiễm trùng
  • Trầm cảm

Nhiễm toan ketone do tiểu đường

Nhiễm toan ketone do tiểu đường (DKA) là một biến chứng đe dọa tính mạng của bệnh. Nhiễm toan ketone do tiểu đường xảy ra khi không có đủ insulin để đưa các phân tử đường từ máu vào tế bào. Khi đó, gan nhận được tín hiệu phân hủy chất béo để lấy nhiên liệu cho các tế bào sử dụng và tạo ra acid ketone. Đến một thời điểm nhất định, lượng ketone sẽ [tích tụ và] trở nên độc hại.

Các triệu chứng liên quan đến nhiễm toan ketone do tiểu đường nên được chú ý một cách cẩn trọng:

  • Đường máu ≥ 300 mg/dL
  • Hơi thở có mùi trái cây
  • Nôn mửa
  • Thở sâu, nhanh
  • Đau bụng

Các phương pháp điều trị tiểu đường

Điều trị và quản lý bệnh tiểu đường hiệu quả đòi hỏi một cách tiếp cận đa diện. Có ba khía cạnh chính để quản lý bệnh tiểu đường.

1. Theo dõi đường máu

Điều quan trọng là phải theo dõi đường máu khi bị tiểu đường. Bạn sẽ cần theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên bằng máy theo dõi đường huyết liên tục (CGM) hoặc máy đo và que thử đường huyết ở ngón tay.

2. Insulin

Những người bị bệnh tiểu đường loại 1 và 1.5 cần phải có insulin để sinh tồn. Một số người bị bệnh tiểu đường loại 2 cũng cần insulin.

Có một số phương pháp để đưa insulin vào cơ thể: thông qua ống chích, máy bơm insulin, bút chích insulin hoặc insulin dạng hít tác dụng nhanh. Có một số loại insulin tổng hợp khác nhau với các khoảng thời gian hoạt động cụ thể. Bác sĩ sẽ làm việc với bạn để xác định loại insulin tốt nhất cho bạn.

3. Thuốc uống tiểu đường

Thuốc điều trị tiểu đường đường uống giúp những người bệnh tiểu đường loại 2 sản xuất một lượng insulin để kiểm soát bệnh hiệu quả hơn. Một số loại thuốc đường uống sử dụng các phương pháp khác nhau giúp kiểm soát đường máu, bao gồm:

  • Chất ức chế alpha-glucosidase: Những chất này giúp giảm đường máu bằng cách ngăn chặn sự phân hủy tinh bột – như bánh mì và khoai tây – trong ruột non. Tinh bột được cấu thành từ hàng ngàn phân tử glucose. Nếu tinh bột không thể bị phá vỡ, những phân tử glucose đó sẽ không được tự do đi vào máu từ ruột non, nơi diễn ra quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng.
  • Biguanide: Tác dụng của biguanide gồm hai loại: Thuốc làm giảm lượng glucose giải phóng từ gan vào máu và tăng độ nhạy cảm của mô cơ với insulin. Cả hai tác dụng này giúp điều chỉnh đường máu. Metformin, một biguanide, là loại thuốc uống được kê toa phổ biến nhất cho bệnh tiểu đường loại 2.
  • Chất cô lập acid mật (BAS): Loại bỏ LDL-cholesterol và dường như giúp giảm lượng đường trong máu.
  • Thuốc ức chế DPP-4 (gliptin): GLP-1 là một hợp chất trong cơ thể làm giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên GLP-1 nhanh bị giáng hóa nên tác dụng bị rút ngắn. Gliptin ngăn GLP-1 bị phân hủy nhanh chóng, vì vậy có thể duy trì tác dụng giảm đường máu của GLP-1 trong thời gian dài hơn.
  • Meglitinides (glinides): Truyền tín hiệu cho tuyến tụy để phóng thích insulin. Chúng được dùng trước bữa ăn để giúp kiểm soát lượng đường máu.
  • Thuốc ức chế SGLT2: Giúp thận vận chuyển glucose từ máu vào nước tiểu để làm giảm đường máu.
  • Sulfonylurea: Giống như meglitinide, các hợp chất này tín hiệu cho tuyến tụy để phóng thích insulin.
  • Thiazolidinediones (TZDs): Có tác dụng kép, vừa làm giảm lượng glucose do gan tạo ra và làm tăng độ nhạy cảm của mô mỡ và cơ với insulin.

Tập thể dục và ăn kiêng

Tập thể dục là mấu chốt trong việc quản lý bệnh tiểu đường. Hoạt động thể chất làm tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin, do đó làm giảm tình trạng kháng insulin.

Ăn kiêng là một phần quan trọng trong việc quản lý bệnh tiểu đường. Điều quan trọng là ăn thực phẩm chưa qua chế biến như trái cây, rau và ngũ cốc. Tránh chất béo chuyển hóa. Ăn đủ protein, chất xơ, ít carbohydrate tinh chế hơn để giữ cho đường máu không tăng nhanh và đến mức không tốt. Bạn nên theo dõi lượng carbohydrate ăn vào để kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu.

Ảnh hưởng của tâm lý đến bệnh tiểu đường

Một tư duy tốt cũng có thể giúp quản lý hoặc giảm thiểu rủi ro bị bệnh tiểu đường.

Các nghiên cứu theo dõi dọc chỉ ra rằng những vấn đề tâm lý sau đây đều có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2:

  • Trầm cảm
  • Căng thẳng
  • Lo lắng
  • Tức giận

Tất cả đều khiến cơ thể bị căng thẳng.

Khi căng thẳng, cơ thể sẽ bài tiết cortisol. Cortisol là một loại hormone hữu ích giúp chống lại stress thông qua phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy.”

Cortisol có tác dụng đối kháng mạnh mẽ với sự bài tiết và tác dụng của insulin. Cortisol làm giảm chất vận chuyển glucose 4 (GLUT4) trên bề mặt tế bào cơ.

Insulin lưu thông trong máu thường gắn với GLUT4 để chất vận chuyển có thể đưa các phân tử glucose vào trong tế bào. Nếu có ít chất vận chuyển GLUT4 hơn do cortisol, thì insulin không thể “mở khóa” tế bào để giúp glucose di chuyển vào bên trong, do đó làm tăng đường máu.

Sẽ không sao nếu căng thẳng chỉ thỉnh thoảng xảy ra. Tuy nhiên, con người hiện đại liên tục phải chịu căng thẳng. Về lâu dài, việc này có thể gây kháng insulin và dẫn đến bệnh tiểu đường.

Các giải pháp tự nhiên cho bệnh tiểu đường

Mặc dù tiểu đường loại 2 nghe có vẻ là một tình trạng vĩnh viễn [không thể khỏi], nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng một số người có thể đảo ngược căn bệnh này. Bệnh tiểu đường thuyên giảm khi có thể giữ đường máu ở mức tốt cho sức khỏe mà không cần dùng thuốc. Một thông số là nồng độ HbA1C ở một ngưỡng nhất định sau khi giảm cân và sáu tháng sau khi không dùng thuốc.

Người bệnh tiểu đường thường có thể đảo ngược tình trạng bệnh, quan trọng là cách ăn uống lành mạnh và lối sống năng động.

Một số loại thực vật cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong việc giúp cơ thể đạt được mức glucose khỏe mạnh, bao gồm:

  • Nha đam
  • Mướp đắng
  • Quế
  • Cây thảo linh lăng
  • Tỏi
  • Bạch quả
  • Nhân sâm
  • Dây thìa canh
  • Hoodia
  • Gai cây xương rồng

Cách ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường loại 1

Không ai có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 1 và 1.5 do tự miễn dịch. Các nhà khoa học không chắc chắn chính xác điều gì kích hoạt các tế bào T nhắm mục tiêu vào các tế bào của chính cơ thể.

Bệnh tiểu đường loại 2

Các bước sau đây có thể làm giảm đáng kể nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2:

  • Hoạt động thể chất: Đặt mục tiêu ít nhất 30 phút hoạt động aerobic năm ngày một tuần. Hoạt động thể chất làm tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin, do đó làm giảm tình trạng kháng insulin.
  • Giảm cân: Nếu bạn thừa cân, thậm chí giảm 5 đến 7% trọng lượng cơ thể cũng có thể giúp kiểm soát đường máu tốt hơn.
  • Ăn thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến: Điều quan trọng là ăn thực phẩm giàu chất xơ tự nhiên, chẳng hạn như trái cây, rau và ngũ cốc. Tránh thực phẩm chế biến và chất béo chuyển hóa. Ăn đủ protein, ít carbohydrate tinh chế và đường sẽ giúp giữ cho mức đường máu không tăng nhanh và đến mức không tốt.
  • Kiểm soát căng thẳng: Vì cortisol có thể có tác dụng ngăn chặn insulin đáng kể, nên hãy cố gắng tìm cách giảm căng thẳng.
  • Không uống quá nhiều rượu: Một phân tích gộp trên hơn 1.9 triệu người cho thấy việc uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2.

Đánh giá y tế bởi Tia Delaney-Stewart, MSN-Ed, RN, PHN,CCM.

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Jacquelyn Waters
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Jacquelyn Waters viết về sức khỏe, khoa học và y học. Cô ấy đặc biệt quan tâm đến mọi thứ về khoa học thần kinh—từ khoa học thần kinh phân tử đến tâm lý học. Cô có 8 năm kinh nghiệm giảng dạy sinh học đại học và nhận bằng Thạc sĩ khoa học y sinh với chuyên ngành khoa học thần kinh tại Đại học Vanderbilt.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn